Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xe buýt - “con cưng” lắm tật

Triệu Dương| 01/11/2011 07:01

(HNM) - Xe buýt đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong vận chuyển hành khách công cộng... và vì thế mà tại Thủ đô Hà Nội hiện nay, xe buýt được hưởng nhiều ưu ái nhất, nào là có đường đi riêng (kể cả một số tuyến phố cấm và ngược chiều), nhiều lúc phóng nhanh, vượt đèn đỏ cũng không bị phạt?...

Xe buýt hiện nay đang có nhiều ấn tượng không đẹp với người dân. Ảnh: Phương Thanh


Đi xe buýt là chấp nhận khổ

Thanh Dung, sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH Thương mại và nhóm bạn ca thán: Rẻ, tiện là những từ để nói về công dụng của xe buýt. Tuy nhiên, những sinh viên thường xuyên phải đi xe buýt như chúng tôi cũng thường xuyên gặp những chuyện "dở khóc dở cười". Cũng như bao bạn bè, chúng tôi bắt đầu làm quen với những chuyến xe buýt từ ngày về Hà Nội thi đại học. Nhưng đi xe buýt là chấp nhận có những buổi đứng chờ cả tiếng đồng hồ; ba, bốn lượt xe qua mà không còn chỗ lên. Đi xe buýt, là chấp nhận những chuyến xe nặng mùi khói thuốc lá, mùi mồ hôi người đặc quánh. Đi xe buýt, cũng chấp nhận luôn những buổi trời mưa sàn xe ướt nhẹp, đứng chơi vơi, và những chiều đông lạnh cắt da, chen chúc chật chội, về đến nhà mồ hôi nhễ nhại…

Thực tế gần đây, dư luận không khỏi bức xúc trước thái độ phục vụ kém văn hóa của một số lái phụ xe buýt. Gần đây nhất vào sáng 29-10 vừa qua, bà Lê Phương Thảo (70 tuổi) trong lúc bắt chuyến xe buýt số 18 từ nhà ở phố Lương Định Của đến thăm người họ hàng trên đường Nguyễn Chí Thanh. Vào khoảng 9h sáng cùng ngày đến điểm đỗ đối diện hồ Ngọc Khánh, khi bà Thảo vừa bước được một chân xuống đường thì cửa sau xe bất ngờ đóng sập lại, trong khi xe vẫn từ từ lăn bánh. Do bị kẹp chân phải nên bà Thảo ngã và đập gáy xuống đường. Phải đến khi người dân kêu lên thì lái xe mới dừng lại.

Trước đó, chiều 22-10, bị nhân viên bán vé xe buýt "lừa" đi nhầm tuyến, anh Nguyễn Ngọc Phúc (quê Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đi xe buýt 34 (BKS 30K-1550) của Xí nghiệp Xe điện Hà Nội chạy tuyến Mỹ Đình - Gia Lâm có thắc mắc và đòi xuống liền bị lái, phụ xe hành hung, bắt quỳ xin trước sự chứng kiến của hàng chục hành khách.

Hành vi khiếm nhã, vô văn hóa với hành khách của lái, phụ xe này đã được ngành GTVT xử lý kiên quyết là đuổi việc. Tuy nhiên đó chỉ là một vụ việc được ngành GTVT biết đến và xử lý nghiêm, vậy còn bao nhiêu vụ việc khác hành khách vẫn âm thầm chịu... bị hành mà chưa được phản ánh, chưa được xử lý?


Kiêu binh tất lộng quyền…


Theo "bật mí" của một số CSGT có thâm niên trong nghề, muốn "mục sở thị" sai phạm của xe buýt, cứ lên cầu Chương Dương sẽ rõ, nhóm PV chúng tôi đã có nhiều lần đi thử các chuyến xe qua cầu và ngồi trực chiến phân luồng cùng CBCS Đội CSGT số 1 và số 5. Kết quả đúng như phản ánh, hiện tượng xe buýt "chờ giờ" cố tình đi chậm, lái xe trong lúc điều khiển phương tiện vẫn nghe điện thoại, thậm chí hai xe đi ngược chiều gặp nhau giữa cầu, lái xe vô tư nói chuyện, khiến giao thông ùn tắc là có thật. Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1 than thở: "Biết rõ mười mươi là hành vi cản trở giao thông, thậm chí có những lần anh em tới tận nơi xử lý còn thấy lái xe gục mặt xuống vô lăng tranh thủ đánh một giấc nhưng vì xe buýt được tạo nhiều ưu tiên nên chúng tôi không có chế tài xử lý. Lực lượng CSGT và bảo vệ cầu Chương Dương cũng chỉ biết nhắc nhở.

Hiện nay, các đơn vị nghiệp vụ thuộc CATP vẫn đang tiếp tục thụ lý nhiều vụ việc liên quan đến các hành vi nhân viên nhà xe dùng gạch hành hung người đi đường, đánh toạc đầu, đánh bất tỉnh và đạp vào mặt hành khách… Có thể kể ra đây một số vụ việc điển hình: Hồi 12h30 ngày 9-9-2011, gần Bến xe Mỹ Đình, Phạm Minh Tuấn, điều khiển xe buýt đã vượt bên phải, đi sai làn đường quy định, va chạm với xe ô tô do anh Nguyễn Tuấn Huy trú tại Mỹ Đình điều khiển đi phía trước. Sau khi gây ra va chạm, lái xe buýt không dừng lại mà tiếp tục cho xe chạy. Anh Huy đuổi theo yêu cầu lái xe dừng lại để giải quyết. Sau khi dừng lại, hai bên lời qua tiếng lại, Phạm Minh Tuấn đã đứng trên cửa xe đá thẳng vào mặt anh Huy khiến anh phải đi viện cấp cứu.

Trước đó, vào 20h15 tối 7-8-2011 trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội, xe buýt tuyến số 28 đang chạy hướng Nguyễn Trãi - Tây Sơn, tới đoạn Trường ĐH KHXH&NV thì bất ngờ đánh lái cua gấp sang đường để đi hướng ngược lại khiến anh Mai Tuấn Anh (26 tuổi) ở Hà Đông đang điều khiển xe máy đã không kịp tránh, đâm vào phía sườn xe buýt. Khi anh Tuấn Anh bị ngã xuống đường bất ngờ, cả lái và phụ xe mở cửa kính ra chửi bới, sau đó phụ xe xuống hành hung nạn nhân…

Xây dựng lại hình ảnh

Vào thời điểm trước khi Bộ trưởng Đinh La Thăng kêu gọi cán bộ đi xe buýt, 14 cán bộ và chuyên viên Vụ Vận tải của Bộ GTVT đã bí mật thị sát nhiều chuyến xe buýt tại Hà Nội. Báo cáo tổng hợp 14 ý kiến tham gia khảo sát thực tế 10/63 tuyến xe buýt, đánh giá: Nhìn chung hệ thống điểm đầu cuối, trung tâm trung chuyển điểm đỗ dọc đường đã được TP đầu tư đáp ứng cho hoạt động xe buýt. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, hệ thống xe buýt bị quá tải dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy, thậm chí hành khách không thể lên xe. Nhiều tuyến không bố trí xây dựng nhà chờ cho khách. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và lấn chiếm nhà chờ xe buýt vẫn diễn ra.

Báo cáo cũng chỉ rõ thái độ phục vụ của nhà xe, ngoài một số chấp hành tốt, có thái độ lịch sự, vẫn có những lái xe thiếu tôn trọng hành khách; phân biệt khách đi vé ngày, vé tháng, cụ thể là thỉnh thoảng không dừng đón khách đi vé tháng. Nhiều lái xe buýt mở cửa xe tùy tiện, phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai lộ trình; nhân viên phục vụ trên xe không đeo thẻ, có thái độ và lời nói thiếu văn minh với hành khách. Tình trạng mất trật tự thường xuyên xảy ra tại các điểm chờ xe buýt cùng với các tệ nạn móc túi, cờ bạc và hút chích... gây hoang mang, sợ hãi cho hành khách".

Ngay sau khi xảy ra những sự việc gây xôn xao dư luận về thái độ cũng như chất lượng phục vụ của xe buýt, đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết đã nghiêm túc chấn chỉnh cán bộ, nhân viên để nâng cao chất lượng phục vụ. Tổng Giám đốc Nguyễn Phi Thường đã triệu tập lãnh đạo các đơn vị trực thuộc để yêu cầu tăng cường sự điều hành, quản lý, phục vụ cũng như bảo đảm an toàn dừng, đỗ; yêu cầu lãnh đạo các xí nghiệp phải có biện pháp giáo dục, tăng cường ý thức cho từng lái, phụ xe. Giám đốc Xí nghiệp Xe buýt 10-10 Tạ Đăng Khoa cho biết, những trường hợp vi phạm bị hành khách phản ánh, sau khi xác minh cụ thể sẽ bị xử lý theo đúng quy chế của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội. Ông Khoa còn khẳng định, đầu tháng 11 xí nghiệp sẽ mở hai lớp đào tạo lại nghiệp vụ cho lái, phụ xe buýt vi phạm 2-3 lỗi trong vòng 6 tháng.

Rõ ràng là để xây dựng hình ảnh xe buýt văn minh không hề đơn giản. Biết bao việc cần phải làm ngay, hoặc đã làm nhưng chưa hiệu quả, phải sửa đổi cho phù hợp, như xây dựng chế tài thưởng, phạt, đóng góp ý kiến, giám sát... Và phàm đã là việc khó, không chỉ ngành xe buýt có thể xoay chuyển được, tất phải có sự giúp sức của các cơ quan chức năng, và không thể thiếu được sự giúp đỡ của chính những hành khách đi xe buýt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xe buýt - “con cưng” lắm tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.