Theo dõi Báo Hànộimới trên

'Xây Trung tâm hạt nhân, Lâm Đồng sẽ có nhiều lợi thế'

Hương Thu| 19/09/2013 15:00

Trong khi tỉnh Lâm Đồng kiến nghị nên đưa Trung tâm Khoa học công nghệ hạt nhân ra xa thành phố Đà Lạt thì Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng, nếu Trung tâm này được xây dựng, địa phương sẽ có nhiều lợi thế để phát triển khoa học.

Mô hình Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân.


Trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây, ông Huỳnh Đức Hòa, Bí thư tỉnh Lâm Đồng kiến nghị nên đưa Trung tâm Khoa học công nghệ Hạt nhân ra xa Đà Lạt 25-30 km, để người dân được yên tâm hơn.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, nếu tỉnh không đồng ý địa điểm xây dựng thì Viện sẽ tìm địa điểm khác. Địa điểm đang được chọn để xây dựng cách trung tâm Đà Lạt khoảng 7-8 km có nhiều thuận lợi.

"Nếu di dời ra khoảng 20-30 km thì Viện Năng lượng nguyên tử không thể tiếp tục thực hiện dự án được, vì Trung tâm sẽ không thu hút được cán bộ, chuyên gia giỏi đến nghiên cứu, cũng như sẽ khó phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, trường đại học trong triển khai thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phát triển điện hạt nhân và số tiền 500 triệu USD sẽ đầu tư không hiệu quả", ông Thành nói.

Theo ông Viện trưởng, để thu hút cán bộ giỏi cho ngành điện hạt nhân, cần tạo điều kiện thuận lợi chứ không “xua đuổi” họ đến những nơi hẻo lánh. Xây dựng Trung tâm hạt nhân ở Đà Lạt sẽ giúp Lâm Đồng có nhiều lợi thế bởi Viện Năng lượng nguyên tử có hơn 250 cán bộ nghiên cứu, và sẽ thu hút các chuyên gia có trình độ cao trong và ngoài nước tới nghiên cứu, đào tạo nhân lực.

Bên cạnh đó, Viện sẽ hỗ trợ tích cực trong việc xây dựng phát triển khoa công nghệ hạt nhân Đại học Đà Lạt, cán bộ nghiên cứu của Viện sẽ giảng dạy, đào tạo; đồng thời thu hút nhiều giáo sư nước ngoài giỏi về trường. Từ đó, Lâm Đồng sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo đạt trình độ khu vực và quốc tế về lĩnh vực hạt nhân trong thời gian không xa.

Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đang có cơ sở là Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đặt ở trung tâm thành phố hơn 30 năm nay. Ngoài ra còn có một trung tâm ứng dụng khác về hạt nhân cũng được xây dựng ở đây, dân cư xung quanh vẫn sinh sống bình thường và vấn đề an toàn được đảm bảo.

"Nếu Lâm Đồng không đồng ý địa điểm xây dựng Trung tâm hạt nhân do Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất, chúng tôi sẽ xem xét một số địa điểm khác để xây dựng. Điều này đồng nghĩa với việc, dần dần chúng tôi sẽ đưa toàn bộ cán bộ làm việc về lĩnh vực hạt nhân hiện nay tại Đà Lạt đến nơi mới", ông Thành nói.

Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân được xây dựng nhằm thúc đẩy các lĩnh vực nghiên cứu chiến lược hỗ trợ phát triển điện hạt nhân, tính toán, thiết kế, giải quyết các nhiệm vụ khoa học công nghệ liên quan đến thực hiện chương trình điện hạt nhân, ví dụ như thiết bị, nhiên liệu hạt nhân, vật liệu, quản lý chất thải phóng xạ; tham gia đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và điện hạt nhân nói riêng. Đây là trung tâm nghiên cứu chủ lực của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam trong tương lai.

Trung tâm sẽ do Nga giúp đỡ xây dựng để hỗ trợ cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như phục vụ cho việc thúc đẩy phát triển mạnh nhiều ngành khoa học công nghệ liên quan đến điện hạt nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
'Xây Trung tâm hạt nhân, Lâm Đồng sẽ có nhiều lợi thế'

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.