Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng văn hóa uống từ luật

Thủy Tiên| 20/12/2015 06:09

(HNM) - Trong buổi tọa đàm "Văn hóa uống - Hội nhập và thách thức" diễn ra mới đây tại Hà Nội, Hiệp hội Bia rượu và Nước giải khát Việt Nam (VBA) đưa ra con số về lượng rượu tiêu thụ tại Việt Nam, trong đó số rượu dân tự nấu khoảng 223 triệu lít, nhập khẩu khoảng 100 triệu lít, chưa kể lượng rượu các nhà máy trong nước sản xuất. Tổng lượng tiêu thụ rượu trong một năm khoảng hơn 400 triệu lít, một con số quá lớn so với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, vấn đề trầm trọng không chỉ nằm ở số lượng tiêu thụ mà còn ở văn hóa uống rượu.



Nấu rượu và uống rượu là phong tục có từ lâu đời của các dân tộc trên đất Việt Nam. Từ miền núi phía Bắc vào Nam đâu đâu cũng có những địa phương nấu rượu nổi tiếng. Rượu nấu ra dĩ nhiên phải có người uống và uống rượu cũng là nét văn hóa của các tộc người Việt. Vào tết Trùng cửu, các nhà Nho thường lên núi uống rượu cúc, đàm đạo thơ văn. Trong cuốn "Vũ Trung tùy bút", Phạm Đình Hổ viết về người Thăng Long uống rượu trong thế kỷ XIX "Họ uống bằng chén nhỏ và chỉ uống đủ để câu chuyện thêm mặn, thêm duyên, uống say bị thiên hạ chê cười". Trong đời sống bao giờ cũng có "tiên tửu" và "tục tửu" với "tiên tửu" rượu chỉ là chất men kích thích câu chuyện về nhân tình thế thái, còn "tục tửu" là uống lấy say, mượn rượu để tiêu sầu. Nếu ở nhà uống quá chén, uống say mềm cũng không sao nhưng say ngoài đường thì người xưa rất coi thường gọi đó là loại "rượu cả vò, chó cả con", vợ con mất nhờ.

Trước kia rượu chủ yếu được uống vào ngày tết, ngày lễ hay giỗ chạp nhưng vài chục năm trở lại đây, đàn ông uống quanh năm và uống rượu trở thành thói quen không thể bỏ với nhiều người. Một trong những nguyên nhân có lẽ là do kinh tế khá lên và nguồn cung cũng rất sẵn. Dường như đàn ông Việt tự cho mình được quyền uống rượu và uống nhiều còn đàn bà con gái cũng tự nhiên chấp nhận quyền này cũng là nhân tố làm tăng số người uống rượu. Không một quốc gia nào trên thế giới uống rượu như ở Việt Nam, không uống theo sức khỏe, không uống theo khả năng mà ép nhau uống. Rượu hay bia còn là thứ đem ra thi thố. Trong liên hoan, đám cưới hay các quán nhậu đâu đâu cũng liên tục tiếng "dô!". Quan niệm uống cũng rất kỳ lạ: Uống nhiều mới vui và say mới vui. Nhiều nhà xã hội học không thể giải thích được tại sao vui họ cũng uống, buồn cũng uống, uống bất cứ lúc nào trong ngày, uống cả ngày, ngồi từ sáng cho đến khuya thậm chí cho đến hôm sau. Ai cũng biết uống nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc uống nhiều dẫn đến mất khả năng kiểm soát bản thân nhưng chỉ sợ vài ngày, sau thì đâu lại vào đó. Thực sự tình trạng uống rượu thiếu trách nhiệm đã trở thành vấn đề lớn trong xã hội.

Có ý kiến cho rằng siết chặt rượu dân tự nấu sẽ làm giảm số lượng từ đó hạn chế tình trạng uống rượu nhưng biện pháp này không dễ. Lại có ý kiến nên tăng thuế đánh vào rượu vì giá lên cao sẽ giảm số người uống, số lần uống và lượng uống từ đó sẽ tạo ra văn hóa uống rượu. Tuy nhiên với người nghiện và người uống thành thói quen khó bỏ thì giá cao hay thấp không phải là vấn đề.

Hiện tại việc mở quán bán đồ uống có cồn ở Việt Nam quá dễ dàng, các cơ sở kinh doanh này không chịu bất cứ trách nhiệm gì khi khách uống say, trong khi họ là một bên tham gia vào tình trạng uống thiếu trách nhiệm của khách. Cần phải đưa vào luật cấm cơ sở kinh doanh bán thêm khi khách đã say, phải có trách nhiệm thông báo cho cảnh sát nếu khách đi xe máy hay lái ô tô như nhiều quốc gia đang áp dụng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm những luật đã ban hành thì mới mong có văn hóa uống... Tạo được văn hóa uống rượu bia sẽ ngăn chặn được hậu quả xấu, trong đó có tai nạn giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng văn hóa uống từ luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.