Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng văn hóa làm nền tảng phát triển

Trần Thanh - Bình Yên| 14/06/2015 06:08

(HNM) - Ngày 29-6, Thành ủy Hà Nội sẽ tổng kết Chương trình 04-CTr/TU về


Phong trào phát động phải phù hợp từng đối tượng


- Chương trình 04 nhằm xây dựng văn hóa, xây dựng con người - nhân tố quyết định tới sự phát triển bền vững của thành phố. Vậy, tại quận Hoàn Kiếm, Chương trình được nhìn nhận và triển khai như thế nào, thưa ông?

- Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính, kinh tế - văn hóa của Thủ đô, nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến… không chỉ phản chiếu những nét đẹp văn hóa riêng có của người Hà Nội mà còn chứa đựng những nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc. Do vậy, Hoàn Kiếm phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần tích cực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Từ thực tế và căn cứ Chương trình 04 của Thành ủy, Quận ủy đã cụ thể hóa bằng Chương trình số 07-CTr/QU về “Phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, người Hoàn Kiếm thanh lịch, văn minh”. Nhiều kế hoạch, đề án được triển khai, trong đó Đề án số 378 về “Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ” đã đến với người dân trên địa bàn quận từ nhiều năm nay.

- Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, xây dựng nhiều tiêu chí cụ thể, sát thực tế nhằm xây dựng con người có lối sống đẹp, giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự nơi công cộng, công sở. Với quận Hoàn Kiếm thì thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi cụ thể hóa Chương trình 04 của Thành ủy thành 5 tiêu chí, trên cơ sở đó MTTQ, các cơ quan, đoàn thể và các phường đã triển khai gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động, như: Phong trào “Ông bà mẫu mực - con cháu hiếu thảo” của MTTQ; “Đảm việc nước, Giỏi việc nhà, Trung hậu, Văn minh, Thanh lịch, Đảm đang” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; phong trào xây dựng nét đẹp của thanh, thiếu nhi quận Hoàn Kiếm; “Nhân ái - văn minh - kiến thức - sức khỏe” của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh... ; các cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp trong CNVC-LĐ, văn hóa trong kinh doanh… Đây là tiền đề để mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và người dân Hoàn Kiếm tự nhận thức được vai trò, vị trí của mình là công dân của quận trung tâm Thủ đô, gắn với truyền thống khu phố cổ để từ đó có những ứng xử văn minh, thanh lịch trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong kinh doanh, hội họp... Chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm trao đổi về thực hiện cưới văn minh, tiết kiệm; coi kết quả thực hiện là một tiêu chí đánh giá thi đua đối với cán bộ, công chức và đảng viên vào dịp cuối năm. Nhờ đó, tỷ lệ đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh luôn đạt 95%. Việc tang được tổ chức ngày càng văn minh hơn, các hủ tục lạc hậu được loại bỏ.

Muốn các phong trào triển khai đạt hiệu quả, trước hết phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc trách nhiệm, tích cực của MTTQ và các đoàn thể; thứ hai là phải phù hợp với đặc thù của đơn vị, của từng đối tượng. Ngay cả tiêu chí, khẩu hiệu đặt ra phải cụ thể, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện. Muốn phong trào được duy trì bền vững thì phải duy trì công tác kiểm tra, đôn đốc, đặc biệt là công tác tuyên truyền. Chỉ khi nào, người dân nhận thức được và có ý thức tự giác thực hiện khi đó công tác tuyên truyền mới thành công.

- Ông có thể đánh giá một cách cụ thể việc thực hiện các tiêu chí ở từng lĩnh vực, kết quả thực hiện Chương trình quan trọng này trên địa bàn quận Hoàn Kiếm?

- Ban Thường vụ Quận ủy Hoàn Kiếm đã chỉ đạo triển khai đồng bộ. Nhiều nội dung khó được tập trung triển khai từng bước tạo chuyển biến. Đơn cử như, quận đã đầu tư từ ngân sách và huy động nguồn xã hội hóa hơn 287 tỷ đồng để di chuyển các cơ quan, hộ dân, cải tạo, nâng cấp các di tích. Quận đã lập hồ sơ xếp hạng 20 di tích, kiểm kê 30 hiện vật có giá trị, trong đó di tích đền Ngọc Sơn - hồ Hoàn Kiếm được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; tổ chức các hội thảo, giới thiệu các dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội; bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc văn hóa, lịch sử hồ Hoàn Kiếm, tạo dựng thương hiệu đô thị của Thủ đô. Đặc biệt, quận đã triển khai mở rộng không gian đi bộ sang khu vực bảo tồn cấp I khu phố cổ Hà Nội tại tuyến phố Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Đào Duy Từ…

Cốt lõi là gìn giữ nét văn hóa phố cổ

- Triển khai Đề án số 378 về “Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ”, quận Hoàn Kiếm đã thể hiện quyết tâm thực hiện hiệu quả Chương trình 04 của Thành ủy. Việc triển khai đề án này có khó khăn gì, thưa ông?

- Chúng tôi đã cụ thể hóa mục tiêu Chương trình 04 của Thành ủy, 07 của Quận ủy theo từng địa bàn dân cư để triển khai thực hiện. Quận đã nghiên cứu và xác định rõ, nếu xây dựng các tiêu chí khuôn mẫu rồi hướng người dân thực hiện theo thì sẽ khó đạt được kết quả như mong đợi. Vì vậy, phải linh hoạt theo đặc thù dân cư, dân trí của từng khu vực. Ở trong khu phố cổ, có những gia đình ba, bốn thế hệ cùng sinh sống có nếp sinh hoạt hoàn toàn khác với các hộ gia đình chỉ có một đến hai thế hệ sinh sống. Chưa kể, môi trường công tác, học tập của mỗi hộ gia đình cũng khác nhau nên khó lựa chọn một gia đình nào đó để làm chuẩn.

- Vậy theo ông có mối tương quan, gắn kết nào giữa việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa?

- Nói là hai nhiệm vụ nhưng thực chất là một. Chỉ khi nào xây dựng gia đình văn hóa thì những nét đẹp ứng xử, nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội mới được gìn giữ và phát huy hiệu quả. Ngoài việc tìm ra các giải pháp thực hiện Chương trình, điều chúng tôi quan tâm là việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân gắn liền với nâng cao đời sống kinh tế, giải quyết việc làm, chăm lo sự nghiệp giáo dục… bằng 4 đề án, cụ thể là: Đề án “Tập trung đầu tư đào tạo nghề cho người lao động trong độ tuổi, giai đoạn 2011-2015”; “Tăng cường phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân trên địa bàn quận Hoàn Kiếm giai đoạn 2011-2015”; “Động viên mọi nguồn lực, tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa khu phố cổ, khu phố cũ và khu vực hồ Hoàn Kiếm, giai đoạn 2011-2015”; “Tăng cường phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo quận Hoàn Kiếm theo hướng hiện đại hóa, giai đoạn 2011-2015”. Ngoài ra, quận Hoàn Kiếm thực hiện đề án “Tổ chức các lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm” như, lễ hội đền Bạch Mã, đình Yên Thái, đình Kim Ngân…; các lễ hội gắn kết với cuộc sống hiện tại như lễ hội Trung thu phố cổ; tổ chức các buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian, giới thiệu nghề thủ công truyền thống… Các lễ hội kể trên không chỉ gắn kết người dân trong các khu phố mà còn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham gia, tham quan tìm hiểu.

- Trong thời đại công nghệ thông tin, số hóa toàn cầu như hiện nay, có thể thấy rất rõ những dịch chuyển trong nhận thức của người dân, nhất là với giới trẻ hiện nay. Họ rất dễ bị cuốn theo một trào lưu “thời thượng” nào đó trên mạng xã hội. Theo ông, nếp văn hóa phố cổ - nét đặc trưng riêng có của một quận trung tâm như Hoàn Kiếm sẽ ra sao? Quận có giải pháp gì để giữ hồn phố cổ?

- Chúng ta đã đi qua 1000 năm Thăng Long, nhưng như bạn thấy, nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung vẫn còn giữ được phần lớn yếu tố gốc. Trong biến chuyển thăng trầm của thời gian, cũng có những dịch chuyển, vận động, giao thoa văn hóa, nhưng những gì đã là truyền thống dân tộc thì rất khó phôi phai, bởi với suy nghĩ của riêng tôi khi đã là người dân nước Việt, sống, lao động, học tập trong môi trường văn hóa Việt Nam thì tự trong mỗi người đã ẩn chứa tình yêu văn hóa quê hương, đất nước. Đơn giản như thói quen đi chợ hoa truyền thống ngày tết của người dân phố cổ, bao năm qua vẫn vậy nên chợ hoa trong phố cổ đâu có mất đi, dù hoa lụa, hoa đất sét hay hoa trồng trong nhà lưới có tràn ngập các ngõ phố. Hay như lễ hội Trung thu phố cổ chúng tôi tổ chức hằng năm đã thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân phố cổ, thu hút đông đảo nhân dân, du khách tham gia vui chơi, mua sắm... Hay tiếng là ở thành phố diện tích chật hẹp nhưng các lễ hội truyền thống được khôi phục và tổ chức vẫn mang đậm chất văn hóa dân gian, như lễ hội đền Bạch Mã, lễ hội Vua Lê đăng quang, lễ hội Nguyên phi Ỷ Lan… Quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng, việc giữ “hồn phố cổ” nếu chỉ mong đợi vào các giải pháp thì chưa đủ. Quan trọng hơn là phải nâng cao nhận thức để người dân hiểu rằng họ là chủ thể của công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phố cổ.

Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu

- Chúng ta đã nói quá nhiều về việc người dân thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa mà chưa đề cập tới trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, chính quyền địa phương, vậy ông có thể nói rõ những yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ?

- Yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, chính quyền địa phương trong xây dựng phong cách giao tiếp, ứng xử văn minh nơi công sở hiện nay cao hơn rất nhiều so với yêu cầu đặt ra khi triển khai đại trà trong các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, chúng tôi coi trọng kiểm tra công vụ đột xuất để ngăn chặn, chấn chỉnh những biểu hiện vi phạm của cán bộ, công chức. Đặc biệt, chúng tôi đề cao tính gương mẫu của người đứng đầu trong thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử.

- Người dân đã thật sự hài lòng với phong cách ứng xử của cán bộ, công chức? Ông có thể cho biết, Chương trình đã giúp quận cải thiện quan hệ giữa người dân và cán bộ các cơ quan công quyền như thế nào?

- Trong xã hội văn minh, hiện đại, những ứng xử thanh lịch, văn minh của cán bộ phải được thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, cả trong lời nói, việc làm. Vì vậy, nếu cán bộ không nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ nhằm bảo đảm hoạt động của bộ máy chính quyền công khai, minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả thì chính họ sẽ tự loại mình ra khỏi công việc mà chưa cần đến các khâu xử lý khác. Do đó, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, chúng tôi luôn rà soát quy định, phân công nhiệm vụ theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm mỗi vị trí công việc phải rõ người chịu phụ trách, chịu trách nhiệm chính trên cơ sở mô tả công việc cho từng vị trí. Ngoài ra, chúng tôi tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, nâng cao tính chuyên nghiệp, sự tận tụy trong giải quyết công việc của cán bộ, công chức. Đây cũng là yếu tố giúp cán bộ quận xây dựng mối quan hệ giao tiếp ứng xử thân thiện hơn với người dân. Và chúng tôi luôn xác định, xây dựng văn hóa chính là gốc rễ, nền tảng cho sự phát triển của Hoàn Kiếm để xứng với vị thế quận trung tâm Thủ đô.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng văn hóa làm nền tảng phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.