(HNM) - Trong những năm gần đây, số vụ tai nạn lao động, số người tử vong, người mắc bệnh nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội có xu hướng tăng...
Coi nhẹ an toàn - nguy cơ tai nạn
Hằng ngày, anh Nguyễn Văn Hòa, tạm trú tại ngõ 19, tổ dân phố 1, phường Phú Lương (quận Hà Đông) cùng đồng nghiệp nhận xây lắp, tháo dỡ các công trình xây dựng. Dù làm công việc nguy hiểm, nhóm lao động tự do này vẫn chủ quan với việc phòng, tránh tai nạn lao động. “Người nào khó chịu với bụi thì đội mũ, nón, đeo khẩu trang, không ai trang bị đầy đủ bảo hộ lao động. Mặc bảo hộ lao động khó làm việc, làm giảm năng suất”, anh Nguyễn Văn Hòa phân trần.
Nhiều lao động làm nghề mộc ở xã Vật Lại (huyện Ba Vì) chưa được trang bị bảo hộ lao động khi làm việc. Ảnh: Hà Hiền |
Không riêng anh Hòa, đa số người lao động, nhất là lao động tự do, lao động ở các làng nghề chưa chú trọng phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc. Người sử dụng lao động cũng chưa quan tâm xây dựng môi trường làm việc an toàn, kỷ luật, văn minh. Sự thờ ơ đó khiến nhiều lao động, doanh nghiệp phải trả giá bằng tính mạng, tài sản, sức khỏe, uy tín… Đơn cử, nhiều năm nay, làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) tháng nào cũng xảy ra một vài vụ tai nạn lao động gây thương tích. Hay Công ty cổ phần Thép Việt Hàn ở Cụm công nghiệp Quất Động, xã Quất Động (huyện Thường Tín) nhiều lần bị nhắc nhở, xử phạt do để xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng…
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong giai đoạn 2016-2018, toàn thành phố xảy ra 694 vụ tai nạn lao động khiến 195 người tử vong, nhiều người bị thương, tăng 74,3% về số vụ việc so với giai đoạn trước. Tai nạn xảy ra nhiều ở ngành xây dựng, cơ khí - luyện kim, điện, vật liệu nổ công nghiệp… Làm việc trong môi trường chưa bảo đảm các điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, một số lao động có nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp. Qua kiểm tra, năm 2018, ngành Y tế Thủ đô phát hiện hàng trăm trường hợp đã mắc hoặc có nguy cơ mắc cùng lúc một số loại bệnh nghề nghiệp.
Trên thực tế, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp có thể lớn hơn nhiều con số được công bố vì đa số doanh nghiệp, địa phương chưa chủ động báo cáo hoặc cố tình che giấu. “Trung bình mỗi năm, toàn thành phố chỉ có 5-7% doanh nghiệp báo cáo về tình hình an toàn lao động. Số doanh nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động nhằm kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc mới đạt khoảng 10%”, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phản ánh.
Chủ động quản lý nguy cơ rủi ro
Hướng tới mục tiêu xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc, các ngành, địa phương trên địa bàn Hà Nội thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách thức, kỹ năng chủ động phòng chống; tăng cường thanh tra, kiểm tra về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại những cơ sở, ngành nghề có nhiều nguy cơ. Từ năm 2016 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính hơn 400 doanh nghiệp với số tiền hàng tỷ đồng. Có thể kể đến như Công ty cổ phần Sumi Việt Nam bị phạt 25 triệu do không khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và xây dựng Yến Nhi bị phạt 15 triệu đồng do không khai báo tai nạn lao động…
Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các bên liên quan, trong những tháng đầu năm 2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các ngành, địa phương đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Hoạt động tuyên truyền tập trung vào khu vực không có hợp đồng lao động. Theo đó, các đơn vị, địa phương cần tổ chức diễn đàn đối thoại với người lao động; mở lớp tập huấn nâng cao về an toàn, vệ sinh lao động cho đại diện doanh nghiệp, người lao động; quan tâm đến đời sống của nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Ngoài những giải pháp đang triển khai, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội mong muốn các cơ quan chức năng bổ sung hệ thống thanh tra an toàn, vệ sinh lao động đến cấp huyện; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về quản lý lao động. Nhóm lao động không theo hợp đồng cần được tham gia, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện… Đồng tình với quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Kim Loan, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất kiến nghị, nâng mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng phần mềm quản lý doanh nghiệp, làm căn cứ cho các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Hiện nay, thành phố Hà Nội có hơn 200.000 doanh nghiệp, hơn 1.000 làng nghề truyền thống đang hoạt động; gần 4 triệu lao động đang làm việc trong tất cả lĩnh vực, ngành nghề. Ngoài ra, thành phố còn có hàng triệu lao động tự do. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển nhanh theo hướng mở, ngoài trình độ chuyên môn, tay nghề, những lao động có sức khỏe, được làm việc trong môi trường an toàn sẽ phát huy khả năng tốt hơn. Doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định về an toàn lao động, thì sản phẩm làm ra sẽ được thị trường đón nhận nhiều hơn. Do đó, đã đến lúc người lao động, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cần phối hợp, đồng lòng xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.