(HNM) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khóa XV (nhiệm kỳ 2010-2015) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT đạt chuẩn quốc gia đạt từ 50 đến 55%.
Khó giữ "chuẩn quốc gia"
Xây dựng trường chuẩn ở các cấp học cần 5 tiêu chí: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; chất lượng giáo dục; tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, tại nhiều trường công lập ở Hà Nội, việc xét công nhận duy trì đạt chuẩn gặp khó khăn bởi cơ sở vật chất còn thiếu thốn, sĩ số học sinh/một lớp vượt quy định. Nhất là việc xây dựng mới các trường đạt chuẩn ở nội thành càng khó khăn, vì quỹ đất không đủ chuẩn.
Cô và trò Trường Mầm non Thanh Xuân Bắc. Ảnh: Trần Hải |
Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Hai Bà Trưng) được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào tháng 12-2013. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban giám hiệu nhà trường, hiện tại trường đang quá tải học sinh, trung bình 48 em /lớp, vượt quy định hơn 30%. Trường Mầm non Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào năm 2009 cũng trong tình trạng quá tải, bình quân 46 học sinh/lớp. Hiệu trưởng Trường Mầm non Bách Khoa, bà Hoàng Thị Hồng Loan cho biết, lúc đạt chuẩn thì trường không quá tải như hiện nay, nhưng sau đó, "tiếng lành đồn xa", phụ huynh tin tưởng, có nguyện vọng gửi con, em vào trường ngày càng nhiều.
Khác với quận Hai Bà Trưng, huyện Ứng Hòa lại gặp khó khăn về cơ sở vật chất, đồ dùng học tập. Thậm chí, ở một số trường, số học sinh/lớp ít hơn so với quy định; lượng giáo viên dạy văn hóa cũng vượt chỉ tiêu. Trường Tiểu học Liên Bạt được công nhận đạt chuẩn mức độ 1 năm 2002 và từ đó đến nay, trường chưa được ngành giáo dục hướng dẫn tự đánh giá các tiêu chí, đề nghị công nhận lại theo quy định 5 năm một lần. Trường có 19 lớp nhưng có tới 39 giáo viên dạy văn hóa (thừa so với quy định), trong khi lại thiếu giáo viên dạy tin học và tổng phụ trách đội. Ở một khía cạnh khác, Trường Tiểu học Tam Khương (quận Đống Đa) hiện nay đang khó duy trì tiêu chí cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Nguyên nhân là học sinh tăng dần từng năm, số phòng học thiếu, một số phòng bị thấm dột, mối, thoát nước chậm… Bên cạnh đó, bàn ghế của giáo viên và học sinh đã qua nhiều năm sử dụng, xuống cấp, hư hỏng.
Cần ưu tiên đầu tư
Theo Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Đỗ Trung Hai, có một thực tế hiện nay là một số trường sau khi đạt chuẩn ít quan tâm đến việc duy trì tiêu chí và đề nghị xét công nhận chuẩn lại theo quy định. Qua giám sát, cả nội thành và ngoại thành đều vấp phải vấn đề này. Chính vì không chú ý đến việc đánh giá và xét lại danh hiệu nên các tiêu chí hầu như bị phá vỡ, khó duy trì được như lúc công nhận chuẩn.
Có một nguyên nhân khác theo Trưởng ban chỉ đạo xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia quận Đống Đa Hà Thị Lê Nhung, việc duy trì và xây dựng trường chuẩn quốc gia của quận gặp nhiều khó khăn, vì một số trường đã đạt chuẩn nhưng nay cơ sở vật chất xuống cấp hoặc có vướng mắc về quy hoạch; một số trường có sĩ số học sinh trong lớp vượt so với quy định. Các trường chưa đạt chuẩn hiện tại đa phần có diện tích nhỏ, không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ứng Hòa Bùi Thanh Sơn cũng cho rằng, huyện có 31 trường công nhận chuẩn nhưng có đến 18 trường công nhận trước năm 2008, cơ sở vật chất đã xuống cấp. Tới đây, Phòng GD-ĐT huyện sẽ tham mưu cho Ban chỉ đạo xây dựng trường chuẩn quốc gia của huyện kiểm tra, rà soát và đề nghị công nhận đạt chuẩn lại 12 trường, còn 6 trường thì do cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, ngân sách không đáp ứng sửa chữa nên sẽ không đề xuất xét lại mức độ chuẩn.
Lý giải về những bất cập và khó khăn trong công tác xây dựng, duy trì trường chuẩn quốc gia, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Đinh Thị Lan Duyên cho biết, trên địa bàn quận, nhiều trường đạt 4/5 tiêu chí, duy nhất tiêu chí về diện tích chưa đạt nên không được công nhận đạt chuẩn. Vì thế, đối với các trường xây dựng mới, quận đã phối hợp với các sở, ngành chức năng quy hoạch, bố trí vốn để cố gắng đạt mục tiêu chuẩn quốc gia ngay từ đầu. "Hiện nay, toàn quận có 19/62 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (5 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 10 trường THCS), trong đó nhiều trường có số học sinh vượt quy định/lớp, nhưng đây cũng là tình trạng chung của các quận nội thành"- bà Duyên phản ánh.
Không dễ gì để xây dựng được một trường đạt chuẩn quốc gia nên việc duy trì, giữ vững danh hiệu càng trở nên quan trọng. Do đó, ngoài việc đầu tư xây dựng mới các trường đạt chuẩn quốc gia, cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn TP Hà Nội cần quan tâm chỉ đạo, ưu tiên, bố trí ngân sách, đầu tư bổ sung, sửa sang những hạng mục đã xuống cấp của những trường chuẩn quốc gia đã công nhận nhiều năm, đề xuất ngành GD-ĐT Thủ đô công nhận lại đạt chuẩn theo quy định. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm duy trì số lượng trường đạt chuẩn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XV đã đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.