(HNM) - Chuyến công du Nhật Bản của Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ chưa đầy 48 giờ (trong hai ngày 9 và 10-3) nhưng đã thu hút sự quan tâm của dư luận khu vực và quốc tế.
Cuộc trở lại đất nước Mặt trời mọc lần thứ ba của nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ tư thế giới - chuyến thăm gần đây nhất diễn ra năm 2008 khi Nhật Bản tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) tại Hokkaido - không chỉ mang theo những thỏa thuận kinh tế mà còn mở ra nhiều triển vọng hợp tác giữa hai nước thời gian tới.
Thủ tướng A.Merkel và người đồng cấp S.Abe nhất trí mở rộng không gian hợp tác. |
Chuyến công du Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo nền kinh tế đầu tàu trong Liên minh Châu Âu (EU) không hoàn toàn tin tưởng vào chính sách phát triển kinh tế táo bạo mang tên Abenomics mà người đồng cấp nước chủ nhà Shinzo Abe đang thực hiện. Tuy có nhiều điểm tương đồng, nhưng trên thực tế giữa hai nền kinh tế hàng đầu tại hai châu lục không phải không có những khác biệt. Trong đó, chính sách phát triển năng lượng là ví dụ. Nếu như Đức đã quyết định đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân vì lý do an toàn thì ngược lại, Nhật Bản lại đang nỗ lực khôi phục một số lò phản ứng sau thảm họa kép động đất - sóng thần tháng 3-2011. Là hai nền kinh tế lớn trong Nhóm G7, đồng thời là hai cường quốc về công nghệ nhưng hợp tác kinh tế Nhật Bản - Đức vẫn dừng ở mức khiêm tốn. Thực tế trao đổi thương mại Trung Quốc - Đức cao gấp 4 lần so với "cặp đôi" Nhật Bản - Đức hẳn là điều khiến Tokyo phải quan tâm.
Việc Thủ tướng A.Merkel chọn Nhật Bản làm điểm đến quan trọng trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7 - với sự vắng mặt của Nga (vốn là G8) - sẽ diễn ra tháng 6 tới tại Đức là điều dễ hiểu. Với tư cách là nước chủ nhà của cuộc họp đặc biệt trong khi khủng hoảng Ukraine chưa đến hồi kết, Đức đã tìm được tiếng nói chung Đức - Nhật khi không mời Nga tới G7; song nhấn mạnh việc G7 duy trì đàm phán với Mátxcơva là quan trọng.
Việc Nhật Bản và Đức thúc đẩy hợp tác kinh tế có ý nghĩa quan trọng khi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU. Trong chuyến công du Châu Âu năm ngoái, Thủ tướng S.Abe cũng chọn Đức là điểm đến đầu tiên, bởi Đức không chỉ là nền kinh tế đầu tàu của EU mà còn là đối tác thương mại lớn của Nhật Bản. Trong khi đó, Nhật Bản là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức ở Châu Á. Giữa lúc các vòng đàm phán về FTA Nhật Bản - EU gặp thách thức, chuyến công du Tokyo của Thủ tướng A.Merkel không ngoài mục đích đưa cuộc đàm phán sớm về đích. Nếu các đàm phán FTA giữa EU và Nhật Bản hoàn tất trong năm nay các quan hệ thương mại sẽ cải thiện đáng kể và điều đó có ý nghĩa quan trọng với một nước xuất khẩu như Đức. Theo các nhà phân tích, nếu FTA giữa EU và Nhật Bản được hoàn thành thì sẽ giúp GDP của EU tăng thêm 0,6-0,8% và tạo 400.000 việc làm, xuất khẩu của EU tới Nhật Bản tăng 32,7%, còn xuất khẩu của Nhật Bản vào EU cũng tăng 23,5%. Kinh tế Nhật Bản và các nước EU hiện chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và 40% kim ngạch thương mại thế giới.
Sự trở lại Nhật Bản của Thủ tướng A.Merkel diễn ra vào thời điểm khá đặc biệt khi Nhật Bản dự kiến sẽ ra tuyên bố đánh dấu 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Việc bà Merkel trong chuyến thăm đề cập đến chuyện Châu Âu và cả thế giới sẵn lòng hòa giải sau những gì mà nước Đức đã gây ra trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai được xem là câu chuyện "nhạy cảm" với Nhật Bản thời điểm này. Theo nhiều nhà quan sát, việc nhà lãnh đạo Đức - quốc gia cùng phe trục bại trận sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai - kêu gọi đã đến lúc đối diện với quá khứ, vun đắp quan hệ với các nước láng giềng, như sự thúc đẩy xứ Phù Tang cởi mở hơn nữa với các nước trong khu vực từng hứng chịu những thảm cảnh trong chiến tranh. Tuy nhiên, điều này đã được Thủ tướng S.Abe đề cập trong thông điệp năm mới 2015 khi khẳng định sẽ hành động và cam kết đóng góp tích cực hơn cho hòa bình thế giới.
Tuy cách xa về địa lý nhưng quan hệ hợp tác giữa hai "động lực" kinh tế của hai châu lục Á - Âu chưa bao giờ xa cách. Ngược lại, Nhật Bản luôn là một trụ cột trong chiến lược ngoại giao của Đức ở Châu Á - Thái Bình Dương và Đức luôn là "cửa ngõ" quan trọng nhất để Tokyo đẩy mạnh hợp tác với EU, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.