(HNM) - Từ cuối năm 2009, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định (QĐ) 114 về việc quản lý, cấp phép xây dựng với các công trình trạm thu phát sóng di động (BTS).
Đến tháng 1-2014, thành phố tiếp tục ban hành QĐ 02 bổ sung, sửa đổi một số điều của QĐ 114 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp (DN) xây dựng, phát triển hạ tầng phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc và các nhiệm vụ khác. Nhưng, ngay cả khi thành phố đã thể chế thành những quy định pháp luật, thì DN vẫn gặp khó khăn khi lắp đặt BTS.
Doanh nghiệp "hành" doanh nghiệp
Công ty TNHH Cơ khí Trường Giang (có trụ sở tại quận Hà Đông) đang xây dựng hạ tầng trạm BTS cho các DN cung cấp dịch vụ di động phản ánh đến Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội về khó khăn khi lắp đặt các trạm BTS tại khu đô thị mới (KĐTM) Văn Phú, Dương Nội (quận Hà Đông) và tại xã Di Trạch (huyện Hoài Đức). Đại diện công ty cho biết, theo đề nghị của các nhà mạng Vinaphone, MobiFone, Viettel và dựa trên vị trí tọa độ đã phê duyệt của Sở TT-TT Hà Nội, công ty đã thực hiện các thủ tục theo trình tự để hoàn thiện hồ sơ được cấp phép xây dựng BTS dùng chung loại 2 tại căn nhà số 10, dãy TT1 KĐTM Văn Phú… Tuy nhiên, sau khi lắp đặt xong, ngày 7-4 Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú đã có văn bản yêu cầu chủ căn nhà cho thuê phải tháo dỡ công trình BTS trước ngày 14-4, đồng thời yêu cầu đơn vị đối tác của mình từ chối tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sử dụng nhà cho căn hộ số 10 TT1 kể trên. Trước đó, ngày 5-5 một số hộ dân tại đây cũng gửi đơn kiến nghị tới Giám đốc Sở TT-TT cho rằng, trạm BTS hoạt động gây ảnh hưởng đến sức khỏe... Trung tuần tháng 2-2014 Công ty TNHH Cơ khí Trường Giang cũng đã gửi công văn xin xây dựng trạm BTS tại ô nhà 3, lô 4, khu D KĐTM Dương Nội, song đến ngày 18-3, Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường đã từ chối cho phép lắp đặt trạm BTS tại đây với lý do vi phạm quy hoạch chung, vi phạm điều lệ quản lý của khu.
Theo lý giải của lãnh đạo Xí nghiệp Dịch vụ đô thị (thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú) việc công ty này yêu cầu chủ hộ phải tháo dỡ trạm BTS lắp đặt trên nóc nhà là vì muốn bảo đảm an toàn cho người dân xung quanh nếu trạm BTS bị gãy, đổ. Công ty CP Đầu tư Văn Phú muốn các nhà mạng xây trạm BTS dùng chung tại khu vườn hoa hoặc giữa dải phân cách đường trong KĐTM và đơn vị này không biết việc Công ty TNHH Cơ khí Trường Giang xây dựng trạm BTS tại nhà số 10 TT1 Văn Phú cho đến khi xảy ra khiếu kiện. Đó cũng là một cách giải thích. Trong khi để phục vụ khách hàng tại các KĐTM, các DN cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình cáp… phải đầu tư nhiều cho hạ tầng truyền dẫn. Như vậy, cả chủ đầu tư KĐTM (muốn bảo đảm cho khách hàng mua nhà về ở) và DN viễn thông phải hợp tác với nhau, không thể có chuyện DN viễn thông hoặc DN làm hạ tầng có thể tự ý vào xây dựng, lắp đặt trạm BTS tại KĐTM. Từ 4 năm nay Sở TT-TT đã yêu cầu phải dùng chung hạ tầng BTS, thể hiện trong việc phê duyệt từng tọa độ dựng BTS của các nhà mạng… có nghĩa các nhà mạng có thể chọn địa điểm lắp đặt chung mà không sai số nhiều so với tọa độ phê duyệt. Giải thích mà đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú đưa ra nghe có vẻ rất hợp lý, song nó cũng cho thấy sự không tạo điều kiện cho DN làm hạ tầng.
Chưa thấy vai trò của chính quyền địa phương
Không chỉ "vướng" khi xây dựng, lắp đặt BTS tại các KĐTM kể trên, Công ty TNHH Cơ khí Trường Giang còn phải dừng chưa thể phát sóng một trạm BTS khác. Cụ thể, DN này đã xây dựng, hoàn thiện lắp đặt hệ thống nhà trạm BTS loại 1 dùng chung cho 3 nhà mạng lớn tại lô đất có diện tích 144m2 ở khu Lò Gạch, xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, song hiện chưa thể phát sóng do người dân khiếu kiện.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND xã Di Trạch phụ trách về kinh tế cho biết, cá nhân vị này, thậm chí cả một số lãnh đạo UBND xã cũng không biết có chuyện xây dựng trạm BTS kể trên và chỉ biết khi người dân khiếu kiện!? Trong khi đó, trong hồ sơ xin cấp phép dựng trạm BTS của Công ty TNHH Cơ khí Trường Giang đủ giấy tờ có chữ ký, dấu đỏ của Chủ tịch UBND xã Di Trạch xác nhận về địa điểm xây dựng trạm BTS, xác nhận về sở hữu của thửa đất cho thuê. Đáng chú ý, thửa đất cho thuê dựng trạm BTS này cách trụ sở UBND xã khoảng 200m; vị trí dựng trạm BTS này cũng cách xa khoảng 100m với các hộ dân sinh sống… Tương tự như ở Di Trạch, chính quyền phường Phúc La (quận Hà Đông) dường như cũng chưa có động thái thích hợp để tuyên truyền, vận động người dân ở KĐTM Văn Phú hiểu, không khiếu kiện hoặc không cản trở việc lắp đặt trạm BTS của DN.
Khi chính quyền cơ sở chưa làm tốt, hoặc né tránh những vấn đề cần giải quyết thì các DN hoạt động trên địa bàn còn gặp khó khăn. Xin nói thêm, phường Phúc La, xã Di Trạch là những địa bàn có nhiều dự án, KĐTM triển khai, do vậy chính quyền và đội ngũ cán bộ đều có kinh nghiệm trong vận động, thuyết phục người dân khi thực hiện các dự án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.