Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng thương hiệu tẩm quất khiếm thị: Rất cần để gột tiếng oan!

Quỳnh Anh| 23/12/2014 06:41

(HNM) - Từ lâu, tẩm quất đã trở thành nghề mưu sinh của một bộ phận người khiếm thị. Tuy nhiên, không ít cơ sở tẩm quất trá hình, hoạt động thiếu lành mạnh khiến người khiếm thị bị vạ lây. Khách hàng e ngại đến với tẩm quất khiến công cuộc mưu sinh của người khiếm thị vốn đã khó khăn lại càng trở nên khó khăn.


Nghề thiết thực…

Nằm sâu trong con ngõ số 639 đường Hoàng Hoa Thám, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội, tuy không ở vị trí đắc địa nhưng từ lâu Trung tâm Tẩm quất người mù Hoàng Kim đã trở thành địa chỉ quen thuộc đối với nhiều người. Trung bình mỗi ngày, trung tâm đón khoảng 50 khách đến xoa bóp, tẩm quất. Lượng khách đông nên thu nhập của các kỹ thuật viên tương đối ổn định, từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng. Số tiền không nhiều song cũng đủ để 6-7 mảnh đời khiếm thị trang trải chi tiêu sinh hoạt.

Tẩm quất cho khách tại Trung tâm Tẩm quất người mù Hoàng Kim. Ảnh: Sơn Hà



Ông Hoàng Xuân Hạnh, Giám đốc Trung tâm Tẩm quất người mù Hoàng Kim cho biết, Trung tâm được thành lập từ năm 2004. Đến nay, Trung tâm hỗ trợ, giúp đỡ hơn 300 người khiếm thị có việc làm với nguồn thu nhập ổn định. Nhiều người sau khi rời Trung tâm đã đứng ra thành lập cơ sở tẩm quất, không chỉ nuôi sống bản thân mà còn tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người cùng cảnh khác. "Nghề tẩm quất phù hợp với sức khỏe, khả năng của người khiếm thị. Từ nghề tẩm quất, nhiều người khiếm thị đã tìm thấy "nguồn sáng" của cuộc đời mình", ông Hạnh tâm sự.

Theo thống kê của Hội Người mù Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 100 cơ sở của người khiếm thị hoạt động trong lĩnh vực tẩm quất, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 600 người khiếm thị.

… cần xây dựng thương hiệu


Nghề tẩm quất là một trong những nghề phù hợp với khả năng của người khiếm thị. Sống bằng nghề, người khiếm thị không chỉ có việc làm, thu nhập ổn định mà còn tự tin vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, hiện các cơ sở tẩm quất của người khiếm thị đang gặp phải rất nhiều khó khăn do sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường. Nhiều cơ sở sau một thời gian hoạt động đã phải đóng cửa do thu không đủ chi.

Theo ông Cao Thế Hải, Phó Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội, dịch vụ tẩm quất phát triển quá nhanh lại không được quản lý chặt chẽ nên đã và đang nảy sinh những vấn đề bất cập. "Hiện tẩm quất chưa được coi là một nghề chính thống, chưa có môi trường đào tạo cơ bản, khoa học. Một số cá nhân lợi dụng sơ hở trong quản lý nghề để hoạt động trá hình, gây ảnh hưởng không nhỏ tới những người hành nghề chân chính, trong đó có người khiếm thị", ông Hải cho hay.

Ông Hoàng Xuân Hạnh cho biết, hiện dịch vụ tẩm quất của người khiếm thị chưa thực sự được số đông cộng đồng biết tới nên việc tuyên truyền hình ảnh, thương hiệu xoa bóp, tẩm quất của người khiếm thị cần được chú ý nhiều hơn nữa. "Nhờ quảng bá và xây dựng thương hiệu qua hai website: hoangkim.net.vn và thegioimatxa.net mà Hoàng Kim đã thu hút được đông đảo khách đến sử dụng dịch vụ", ông Hạnh chia sẻ.

Chung quan điểm với ông Hạnh, bà Lương Hải Yến, chủ cơ sở dịch vụ tẩm quất Ánh Dương (quận Long Biên, Hà Nội) cũng cho rằng, việc xây dựng thương hiệu tẩm quất khiếm thị là hết sức cần thiết, có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng "thật giả lẫn lộn". "Nghề tẩm quất là một nghề rất nhạy cảm vì có không ít cơ sở tẩm quất trá hình đã và đang hoạt động ở khắp mọi nơi. Nhiều người khi nghe đến hai chữ tẩm quất là ngay lập tức có ngay những ý nghĩ không mấy tốt đẹp. Vì thế, họ tỏ ra e ngại khi đến với những cơ sở tẩm quất của người khiếm thị", bà Yến cho hay.

Ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hội Người mù Hà Nội cho biết, hiện Hội Người mù Hà Nội đang tiến hành hoàn thiện bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn của nghề tẩm quất để tiến tới xây dựng thương hiệu dịch vụ tẩm quất người khiếm thị Hà Nội. Hội hy vọng với việc làm này sẽ cải thiện môi trường, chất lượng dịch vụ tẩm quất của người khiếm thị; ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của nhiều cơ sở tẩm quất trên thị trường. Bên cạnh đó, Hội cũng đã phối hợp với Hội Đông y Hà Nội soạn ra các giáo trình dạy nghề tẩm quất nhằm đáp ứng chuẩn kiến thức, kỹ thuật cho người khiếm thị. Giáo trình đã được chính thức ban hành và cấp phép.

Tẩm quất là nghề thiết thực với người khiếm thị. Để nghề có chỗ đứng trong xã hội, giải quyết được bài toán công ăn việc làm cho số lượng lớn người khiếm thị, đã đến lúc các cơ sở tẩm quất cần phải xây dựng thương hiệu. Hội người mù các cấp cần phải quan tâm, chuẩn hóa công tác đào tạo nghề tẩm quất và sớm đề xuất với cơ quan chức năng công nhận thương hiệu tẩm quất người khiếm thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thương hiệu tẩm quất khiếm thị: Rất cần để gột tiếng oan!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.