(HNM) - Qua hơn 3 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình giá trị kinh tế cao đã ra đời ở xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu, đặc biệt là mô hình sản xuất rau an toàn (RAT).
Tiếp tục mở rộng diện tích
Vụ xuân hè năm 2012, HTX RAT Thụy Hương ký hợp đồng sản xuất 10ha ngô ngọt với Công ty Chế biến thực phẩm chất lượng cao Hải Hưng. Theo ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ nhiệm HTX RAT Thụy Hương, hiện ngô ngọt đang sinh trưởng và phát triển tốt, toàn bộ đầu ra sản phẩm đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều hộ chưa nắm vững quy trình sản xuất RAT, ngại thay đổi thói quen nên diện tích RAT trên địa bàn xã còn hạn chế. Để khuyến khích bà con tham gia mô hình, Ban quản lý (BQL) RAT huyện đã có chính sách hỗ trợ về giống, vật tư, tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Bà Nguyễn Thị Thắm, thôn Tân An, xã Thụy Hương cho biết, sản xuất rau, củ theo hướng RAT cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Song bà con rất lo đầu ra cho sản phẩm, bởi giá RAT cao hơn so với rau thường, do chi phí, công sức và thời gian cũng nhiều hơn. Vụ đông năm trước bà con Thụy Hương sản xuất khoai tây giống theo hợp đồng với Công ty Tonkin, song phía công ty không thực hiện đúng hợp đồng, bà con phải tự tiêu thụ nên nhiều hộ chưa yên tâm sản xuất. "HTX cần ổn định đầu ra thì bà con mới yên tâm sản xuất và nhân rộng mô hình" - bà Thắm chia sẻ.
Để nhân rộng mô hình RAT trên địa bàn xã, vụ đông 2012-2013 HTX RAT Thụy Hương tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất RAT lên 52ha. Trong đó, 2ha trồng bí xanh, cà chua bi xuất khẩu 5ha, ớt chỉ thiên 20ha, khoai tây 15ha và các loại rau ăn lá 10ha. Hiện HTX đã chủ động bàn bạc ký kết hợp đồng tiêu thụ với hai đơn vị là Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm chất lượng cao Hải Hưng và Công ty Chế biến xuất khẩu Hải Phòng để sản xuất ớt và cà chua xuất khẩu. Các loại rau còn lại HTX sẽ cùng nông dân tiêu thụ ngoài thị trường. Dự kiến tổng giá trị sản xuất RAT vụ đông của xã đạt 9,7 tỷ đồng. Để khuyến khích nông dân tham gia mô hình, Trung tâm Khuyến nông TP hỗ trợ 100% giống; 30% phân bón các loại đối với 10ha ớt đã có hợp đồng xuất khẩu. Ngoài ra, BQL RAT Thụy Hương cũng hỗ trợ 100% tiền giống đối với 10ha ớt, cà chua bi, bí xanh xuất khẩu. Dự kiến thời gian tới, HTX RAT Thụy Hương sẽ tiếp tục mở rộng diện tích RAT lên 79ha. Sau vụ đông năm nay, HTX sẽ tiến hành đăng ký nhãn hiệu, gắn nhãn nhận diện, tiến tới xây dựng thương hiệu RAT Thụy Hương.
Tuân thủ quy trình sản xuất và hợp đồng bao tiêu sản phẩm
Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là hệ thống cấp nước sạch đủ tiêu chuẩn VietGap hiện đã được đầu tư hoàn chỉnh, bảo đảm cấp nước sạch đến từng hộ trong vùng dự án. BQL RAT Thụy Hương đã ký hợp đồng với một số đơn vị tổ chức đào tạo, hướng dẫn kiến thức sản xuất RAT theo quy trình VietGAP. Trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bước đầu đã hình thành mạng lưới liên kết "4 nhà", sản phẩm RAT Thụy Hương đã có mặt trên thị trường Hà Nội. Theo ông Phạm Viết Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, mô hình sản xuất RAT được nông dân hết sức ủng hộ và tham gia, tuy nhiên, ý thức trách nhiệm của nông dân còn nhiều hạn chế. Dù khu dự án đã được đầu tư cơ sở hạ tầng tốt, được TP hỗ trợ về giống, vật tư, kỹ thuật, song nhiều hộ thiếu sự chủ động, còn trông chờ, ỷ lại, không chấp hành sự điều hành, hướng dẫn của UBND xã và HTX RAT Thụy Hương nên khó mở rộng diện tích sản xuất. Nhiều hộ chăm sóc chưa đúng quy trình nên năng suất, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Để giải quyết những vướng mắc trên cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương. HTX RAT Thụy Hương phải chủ động xây dựng kế hoạch đến từng xứ đồng, từng thửa ruộng của từng hộ đối với từng loại cây trồng để chủ động về diện tích và thời vụ. Đối với các hộ sản xuất trong vùng dự án phải thực hiện việc đăng ký diện tích, chủng loại cây trồng với HTX, chủ động nhân lực, vật tư để xuống giống đúng thời vụ, đặc biệt, phải chăm sóc đúng quy trình sản xuất. Đối với những sản phẩm có hợp đồng bao tiêu cần bảo đảm không để tình trạng nông dân bán sản phẩm ra ngoài thị trường. Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho rằng, các mô hình sản xuất RAT đang là hướng đi đúng để nông dân Hà Nội chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên 1ha canh tác, là tiền đề để các địa phương hoàn thành các tiêu chí khó trong xây dựng NTM. RAT Thụy Hương cũng đã từng bước khẳng định được thương hiệu của mình. Vấn đề quan trọng với Thụy Hương hiện nay là bảo đảm, giữ vững chất lượng RAT tiến tới xây dựng thương hiệu, trở thành vùng RAT mang tính hàng hóa lớn của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.