(HNM) - Nửa thế kỷ hình thành cùng 21 kỳ đã diễn ra, Liên hoan Phim Việt Nam với các giải Bông sen vàng, Bông sen bạc luôn là niềm tự hào của những người hoạt động điện ảnh. Song, với đà phát triển mạnh mẽ của điện ảnh nước nhà, đòi hỏi sự kiện quốc gia này không chỉ dừng ở chấm chọn, trao giải, mà phải rộng mở, đa dạng và chuyên nghiệp hơn, để tạo cơ hội cho điện ảnh Việt lan tỏa, vươn xa, thành một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn.
Thúc đẩy điện ảnh phát triển
Liên hoan Phim Việt Nam là sự kiện điện ảnh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức từ năm 1970, nhằm đánh giá, ghi nhận những thành tựu sáng tạo điện ảnh nước nhà, tôn vinh các nghệ sĩ điện ảnh xuất sắc, đem tác phẩm mới đến khán giả, góp phần nâng cao thị hiếu của công chúng, thúc đẩy điện ảnh phát triển.
Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vi Kiến Thành, qua các hoạt động và tác phẩm điện ảnh trình chiếu tại Liên hoan Phim Việt Nam, vẻ đẹp đất nước, văn hóa, con người Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến công chúng, góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội, du lịch. Còn đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, việc xây dựng, phát triển thương hiệu Liên hoan Phim Việt Nam không chỉ ở trong nước, mà cả khu vực là vô cùng quan trọng. Bởi, ngoài quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, điện ảnh còn có thể mang lại lợi nhuận lớn từ hoạt động bán vé, bán bản quyền, xuất khẩu… “Liên hoan Phim Việt Nam là nơi kết nối, gặp gỡ những người làm điện ảnh, nhà đầu tư, tạo nên những cuộc hợp tác, đầu tư mới trong điện ảnh”, đạo diễn Lương Đình Dũng nhận định.
Tuy vậy, đã qua 21 kỳ tổ chức, Liên hoan Phim Việt Nam ít có sự đổi mới, chỉ gồm các hoạt động khá “tĩnh”, như khai mạc, bế mạc, chấm chọn, chiếu phim tại rạp hoặc ngoài trời, hội thảo, tham quan… Sức lan tỏa của sự kiện thường chỉ ở địa phương đăng cai tổ chức. Theo nhà báo Trần Việt Văn (Báo Lao động), người theo sát hoạt động điện ảnh Việt Nam nhiều năm qua, Liên hoan Phim Việt Nam vẫn theo lối mòn, từ cách thức tổ chức đến việc lựa chọn phim đoạt giải, thiếu hẳn sự sôi động, trẻ trung mà điện ảnh nước nhà đang thể hiện, nên chưa thu hút được nhiều đối tượng trong nước và quốc tế.
Là người yêu điện ảnh, chị Lương Thu Hòa (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Mỗi kỳ liên hoan phim, tôi lại băn khoăn không biết xem phim đoạt giải ở đâu. Các rạp không thấy chiếu lại, trong khi đó trên mạng chỉ gần đây mới tìm được một số phim hoạt hình”.
Chuyên nghiệp và hội nhập
Thực tế, điện ảnh Việt Nam trong 5 năm trở lại đây có những bước phát triển vượt bậc, đi đầu trong việc tiệm cận với quy mô của một ngành công nghiệp văn hóa. Chỉ tính riêng năm 2019, doanh thu từ hoạt động điện ảnh đạt hơn 4.000 tỷ đồng, nhiều phim giành giải thưởng quốc tế và phát hành ở nước ngoài, như “Hai Phượng”, “Song Lang”… Điều này đặt ra thách thức và đòi hỏi Liên hoan Phim Việt Nam phải thay đổi cách thức tổ chức mang tính chuyên nghiệp, đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế.
Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Nhất Hoàng cho rằng, nên chọn một địa phương hoặc một mạng lưới địa phương có điều kiện và sự phát triển điện ảnh tương đồng để tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam cố định, hay luân phiên. Việc tổ chức cũng cần kết hợp với đơn vị tổ chức sự kiện chuyên nghiệp. Ông Trần Nhất Hoàng cũng đề xuất mở rộng chương trình liên hoan phim thêm các lĩnh vực, như: Hội chợ phim, trại sáng tác cho các nhà làm phim trẻ, giao lưu với đoàn làm phim, tổ chức tuần phim đoạt giải tại các địa phương trong nước và nước ngoài, đồng thời thêm giải thưởng cho các nhà làm phim trẻ.
Chung quan điểm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu khẳng định, gắn kết với các hoạt động đối ngoại và xúc tiến du lịch sẽ góp phần đưa thương hiệu Liên hoan Phim Việt Nam lan tỏa rộng hơn. Ngành Du lịch sẽ “bắt tay” ngành Điện ảnh để tổ chức quảng bá Liên hoan Phim Việt Nam trong các sự kiện du lịch: Khai mạc Năm Du lịch quốc gia, Festival Huế, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng… và các hoạt động xúc tiến du lịch ở nước ngoài.
Còn theo Nghệ sĩ nhân dân Như Quỳnh, điều quan trọng nhất của một liên hoan phim là đưa tác phẩm đến với khán giả. “Nghệ sĩ chúng tôi sẵn sàng tham gia cùng đoàn làm phim giới thiệu, quảng bá phim, giao lưu với khán giả trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam để tác phẩm được biết đến rộng rãi, thương hiệu điện ảnh Việt vươn xa hơn”, Nghệ sĩ nhân dân Như Quỳnh cho biết.
Trong khi đó, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho rằng, việc quảng bá Liên hoan Phim Việt Nam hiện nay còn yếu, vì thế nhiều khán giả vẫn nghĩ sự kiện này chỉ dành cho những bộ phim Nhà nước đặt hàng, nặng tính tuyên truyền hơn trải nghiệm nghệ thuật, trong khi thực tế hoàn toàn khác. “Ban Tổ chức nên xây dựng các clip ngắn, các bài giới thiệu về liên hoan phim và phim tham dự, trích đoạn hậu trường phim… đăng tải liên tục trên mạng xã hội, như Facebook, Zalo, Youtube… Điều này sẽ giúp thương hiệu Liên hoan Phim Việt Nam lan tỏa nhanh nhất”, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đề xuất.
Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, từ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII diễn ra tại Thừa Thiên - Huế vào năm 2021, Ban Tổ chức sẽ có những điều chỉnh cần thiết. Mục tiêu là vận hành sự kiện này chuyên nghiệp hơn, hiện đại hơn, theo hướng hội nhập quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.