Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng thương hiệu khảm trai Chuyên Mỹ

Kim Nhuệ| 29/11/2015 07:14

(HNM) - Những người thợ Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) đã cho ra thị trường hàng triệu sản phẩm khảm trai tinh xảo, đạt đến trình độ hoàn mỹ. Dù sản phẩm của làng có mặt ở khắp mọi nơi nhưng hiện nay tên của làng chưa thực sự trở thành một thương hiệu mạnh.

Tranh khảm Chuyên Mỹ có đường nét rất tinh xảo, sống động.


Nghề họa khảm trai, ốc ở Chuyên Mỹ có cách nay ngót nghìn năm, do cụ Trương Công Thành, vị tướng tài triều Lý truyền dạy cho con cháu. Để làm nên một bức khảm, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn phức tạp. Sau khi lựa được những vỏ trai, ốc đủ tiêu chuẩn, người thợ xẻ trai, ốc theo ba đường gân nổi của xương trai, ốc; lọc bỏ lớp ngoài và lớp trong, lấy lớp tinh khiết ở giữa, sau đó mài nhẵn và ép phẳng. Khi đã có thứ nguyên liệu quan trọng, người thợ bắt đầu phác thảo ý tưởng bức tranh lên giấy rồi vẽ lại vào mảnh trai, ốc. Sau đó dùng những chiếc cưa chuyên dụng để cắt theo nét đã vẽ. Vì mảnh trai, ốc khá cứng nên khi cưa, người thợ phải sử dụng đôi bàn tay vừa mạnh mẽ, có lực dứt khoát, lại vừa phải mềm mại uốn theo các họa tiết đã định. Trong công đoạn này, chỉ cần người thợ không tập trung vài giây là có thể làm hỏng mảnh trai. Sau khi làm xong các chi tiết trên mảnh trai, người thợ bắt tay vào trổ mặt gỗ, ghép tranh... Công đoạn cuối cùng là dùng giấy ráp để đánh bóng khảm trai.

Theo nghệ nhân Trần Bá Nam, bức khảm đẹp phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật: mảnh trai không rạn vỡ, có độ phẳng, chi tiết ghép phải khít, đường nét tinh xảo, sống động... Trong quy trình làm bức khảm, công đoạn nào cũng quan trọng, quyết định giá thành và chất lượng sản phẩm, đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật, kinh nghiệm, tính chuyên cần và trí sáng tạo... Vì vậy, để trở thành thợ lành nghề, người học phải cần nhiều thời gian, có khi tới cả chục năm. Do đó, người từ các địa phương khác về đây học nghề là không nhiều. Có lẽ vì lý do này mà nhiều chủ cơ sở sản xuất ở đây tỏ ra rất tự tin, khi biết nhiều địa phương có nghề tương tự, đang giảm chi phí để cạnh tranh, thậm chí làm nhái sản phẩm của làng. Anh Nguyễn Đình Hải, chủ một cơ sở sản xuất của làng Chuôn Ngọ cho biết: Chẳng ở đâu làm nhái được sản phẩm của làng bởi khách chơi hàng khảm thường là những người hiểu biết, họ chỉ cần nhìn và sờ vào sản phẩm là biết ngay chất lượng ra sao, cho dù không dán nhãn mác. Gặp ông Nguyễn Văn Thanh, nhà ở quận Hà Đông trên đường đến Chuyên Mỹ lấy hàng, chúng tôi hỏi và ông xác nhận đúng thế.

Theo nhiều người dân nơi đây, xưởng của anh Hải chưa bao giờ làm hết việc, sản xuất chủ yếu theo đơn đặt hàng. Vào dịp cuối năm, nhiều lúc phải từ chối khách, không dám nhận thêm. Nể nang mà nhận là khổ công tìm thợ. Bởi dịp này nhà nào cũng làm nghề hoặc nhận về làm gia công một số công đoạn cho các chủ cơ sở. Thế nên, công của thợ khảm Chuyên Mỹ được tính theo ngày, thấp nhất cũng khoảng 200.000 - 250.000 đồng/người.

Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ, ông Đinh Ngọc Dư, cho biết, hiện nay xã đang huy động nguồn vốn để xây dựng điểm công nghiệp làng nghề, tạo thuận lợi cho các hộ mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh, trưng bày sản phẩm...; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm; tổ chức các lớp tập huấn sử dụng công nghệ thông tin, tiếp cận, mở rộng thị trường...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thương hiệu khảm trai Chuyên Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.