Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng thương hiệu “Gỗ Việt”: Không chỉ tạo vùng nguyên liệu

Đào Huyền| 06/04/2011 07:36

(HNM) - Gỗ là một trong năm mặt hàng xuất khẩu (XK) chính của Việt Nam, tuy có mặt tại 120 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng không gây ấn tượng với khách hàng. Làm thế nào để gây dựng thương hiệu gỗ Việt trên thị trường quốc tế thật sự là bài toán khó.


"Ăn đong" nguyên liệu


Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu của xã Vân Hà (huyện Đông Anh).   Ảnh: K.Nguyên


Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong những năm qua, ngành chế biến gỗ có những bước phát triển đáng khích lệ, đến nay đã có hơn 3.000 DN, đạt công suất từ 200m3 gỗ tròn/năm trở lên. Trong đó, DN tư nhân, cổ phần, FDI chiếm tới 95%. Hiện, cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp FDI có quy mô lớn, chiếm 50% tổng kim ngạch XK sản phẩm gỗ của cả nước, số còn lại có quy mô nhỏ và vừa. Đáng lưu ý, số lượng cơ sở chế biến gỗ tăng không nhiều mà chủ yếu tăng công suất thiết kế. Những năm gần đây, ngành chế biến và XK sản phẩm gỗ có bước phát triển vượt bậc, năm 2010, giá trị kim ngạch XK cả nước ước đạt 3,4 tỷ USD, dự kiến năm 2011 đạt khoảng 4 tỷ USD.

Vấn đề đối với các DN chế biến, XK sản phẩm gỗ của Việt Nam là bị động nguồn nguyên liệu. Nhiều hợp đồng lớn cung cấp sản phẩm cho đối tác nước ngoài không thực hiện được cũng vì nguyên nhân này. Hiện nước ta đang phải nhập khẩu khoảng 75-80% nguyên liệu gỗ chế biến, với tỷ lệ tăng giá từ 10-20%/năm, đặc biệt là gỗ có chứng chỉ rất đắt. Trung bình hằng năm, các DN chế biến gỗ Việt Nam phải nhập 1 tỷ USD gỗ nguyên liệu vì nhu cầu trong nước chỉ đáp ứng được 20-30%. Tình trạng "ăn đong" nguyên liệu khiến việc cung ứng sản phẩm trên thị trường bấp bênh, cản trở lớn cho các DN XK gỗ xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Phát triển vùng nguyên liệu

Xây dựng thương hiệu "Gỗ Việt" trên thị trường quốc tế là mục tiêu lớn nhất mà ngành này đang hướng tới. Dù là nước XK gỗ lớn nhưng điều đáng nói là có đến trên 90% sản phẩm gỗ của Việt Nam phải bán qua các thị trường trung gian nên bị động và phụ thuộc vào các kênh phân phối này. Phát triển thế nào để tận dụng tiềm năng và tránh chảy máu nguồn tài nguyên là bài toán chưa có lời giải. Các DN XK gỗ Việt Nam chưa mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ, chưa tiếp cận các thị trường lớn nên không thoát khỏi tình trạng thua thiệt. Gỗ Việt Nam đang lâm vào tình trạng như cây cà phê, dù sản phẩm được nhiều thị trường khó tính ưa chuộng và chọn lựa nhưng chưa tạo dựng được thương hiệu riêng. Theo ông Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý, bảo vệ - Chứng chỉ rừng, nếu không hình thành vùng nguyên liệu thì ngành gỗ khó phát triển bền vững. Thực tế, trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển rừng, nhằm tạo nguồn nguyên liệu phục vụ các nhu cầu trong nước và XK như dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng, một số chính sách phát triển rừng SX, góp phần tăng nhanh diện tích rừng nguyên liệu. Tuy nhiên, hầu hết rừng trồng hiện nay chủ yếu phục vụ SX dăm gỗ và nguyên liệu cho SX ván nhân tạo, bột giấy... Hạn chế của ta là chưa có chính sách và cơ chế đủ mạnh để các chủ rừng tập trung kinh doanh gỗ lớn (chu kỳ 10 năm trở lên) để vừa làm nguyên liệu cho SX đồ gỗ, vừa có nguyên liệu cho SX dăm gỗ.

Ngoài việc đang chịu sức ép về thiếu nguyên liệu, các DN SX đồ gỗ XK còn phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật trong thương mại như yêu cầu chứng chỉ nguồn gốc nguyên liệu gỗ theo Luật Lacey của Hoa Kỳ, quy định FLEGT của Liên minh châu Âu… Đặc biệt là quy định về hệ thống chuỗi hành trình sản phẩm (FSC-CoC). Đến nay, 175 DN ở nước ta đã có chứng nhận FSC-CoC. Trong khi đó diện tích rừng trồng sản xuất của Việt Nam là 2 triệu hécta, có khả năng cung cấp khoảng 2 triệu mét khối gỗ nguyên liệu/năm cho chế biến sản phẩm gỗ XK. Tuy nhiên việc triển khai, thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng nhằm tạo nguồn gỗ nguyên liệu có chứng chỉ rất chậm. Để xây dựng thương hiệu gỗ Việt Nam, các DN phải làm theo đúng quy trình SX của quốc tế, quan trọng nhất là phải bảo vệ môi trường. Theo định hướng chiến lược Lâm nghiệp năm 2020, cả nước phấn đấu 30% diện tích rừng SX (khoảng 2,6 triệu hécta) có Chứng chỉ rừng quốc tế, như vậy, trong giai đoạn 2011-2020, bình quân mỗi năm phải có 260 ngàn hécta rừng đạt chứng chỉ. Mục tiêu là như vậy, nhưng hiện nay diện tích rừng có chứng chỉ của Việt Nam mới có 16.500ha (đạt 0,63% so với mục tiêu).

Việc thúc đẩy quản lý rừng bền vững ngoài mục tiêu bảo vệ môi trường, còn tăng thu nhập đáng kể cho chủ rừng. Để ngành chế biến và XK đồ gồ Việt Nam tạo dựng được thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương cần có chính sách khuyến khích các DN chế biến gỗ liên doanh, liên kết với chủ rừng để tạo vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thương hiệu “Gỗ Việt”: Không chỉ tạo vùng nguyên liệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.