(HNM) - Năm nay, TP Hồ Chí Minh dự kiến tiêu thụ khoảng 70.000 tấn vải thiều từ hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, tăng 10% so với năm trước.
Thị trường nội địa là “chủ lực”
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, năm nay tổng sản lượng vải thiều của tỉnh đạt khoảng 130.000 tấn, giảm 65.000 tấn so với năm 2015. Dự kiến tiêu thụ trong nước khoảng 78.000 tấn, chiếm 60% và xuất khẩu khoảng 52.000 tấn chiếm 40%. TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam sẽ tiêu thụ khoảng 55.000 tấn, chiếm 70% lượng tiêu thụ trong nước. Đại diện tỉnh Hải Dương cũng cho biết, năm nay sản lượng của tỉnh đạt khoảng 36.000 tấn, giảm gần 30% so với năm 2015. Theo đại diện các tỉnh trên, năm nay sản lượng thấp hơn do ảnh hưởng thời tiết nhưng chất lượng vải được nâng cao hơn những năm trước do công đoạn chuẩn bị cho thu hoạch, tiêu thụ vải thiều được chuẩn bị kỹ hơn các năm.
Vải thiều được bày bán tại siêu thị Co.opmart thành phố Hồ Chí Minh. |
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, một trong ba chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh, do mùa vải năm nay trễ nên lượng vải về chợ cho tới thời điểm hiện tại giảm 30% so với cùng kỳ. Từ ngày 1-6 đến 15-6 lượng vải về chợ gần 5.900 tấn, bình quân 400 tấn/đêm. Lượng vải về chợ mỗi đêm cũng đang tăng nhanh do đang vào chính vụ. Giá vải tại chợ đầu mối Thủ Đức hiện bình quân 25.000 - 30.000 đồng/kg. Cũng theo bà Hà, quả vải được người tiêu dùng miền Nam ưa chuộng, mùa vụ ngắn nên lượng vải tiêu thụ rất ổn định, không lo giảm lượng tiêu thụ. Trong năm 2015 chợ này đã tiêu thụ 40.000 tấn vải tươi. Hiện Ban quản lý chợ vẫn tiếp tục duy trì trao đổi kết nối thương nhân tại chợ với thương nhân hai tỉnh Bắc Giang, Hải Dương để tiêu thụ vải.
Kênh phân phối quan trọng là các siêu thị cũng cho biết đã lên kế hoạch tiêu thụ vải thiều từ rất sớm. Đại diện Saigon Co.op cho biết, trong mùa vải năm nay, hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra dự kiến tiêu thụ từ 350 đến 500 tấn, trong đó tiêu thụ chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh. Hệ thống siêu thị này đã tổ chức trưng bày ở các vị trí ưu tiên tại siêu thị và tổ chức khuyến mãi giảm giá liên tục mặt hàng trái cây đặc biệt này để tăng sức tiêu thụ. Còn tại hệ thống siêu thị Big C, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng cũng cho biết, dự kiến tiêu thụ vải thiều năm nay của Big C sẽ tăng hơn 30% so với năm ngoái, đạt hơn 200 tấn trên toàn hệ thống. Từ nhiều tháng nay, Big C cũng đã chủ động kết nối và tăng số lượng nhà cung cấp tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang để linh hoạt hơn trong kế hoạch phân phối.
Chủ động xây dựng thương hiệu
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, rút kinh nghiệm qua 2 năm, năm nay việc kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đã được chủ động hơn. Các đơn vị đã dự báo được sản lượng từ đầu và chi tiết cho sản lượng thu mua theo giai đoạn (đầu, giữa và cuối vụ) và các chợ đầu mối đều được thông báo để chủ động trong công tác phân phối. Trở ngại lớn nhất là tính mùa vụ cao nên phải tính công nghệ sau thu hoạch và xa hơn là công nghệ chế biến. Mặt khác, hiện quả vải chủ yếu là bán đại trà, chưa có thương hiệu, cần phải xây dựng thương hiệu để tăng việc quảng bá và gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, thương nhân vào sản phẩm. Sở Công thương TP Hồ Chí Minh sẽ đứng ra kết nối với các hệ thống siêu thị hiện đại để phân loại vải, nhận diện sản phẩm, chia phẩm cấp sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Việc xây dựng thương hiệu cho quả vải rất cần thiết bởi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh không thể phân biệt được các loại vải, đặc biệt vải giá trị cao như Thanh Hà, Lục Ngạn. Theo ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, hiện vải thiều Lục Ngạn loại đẹp giá thu mua tại địa phương đã 35.000 - 40.000 đồng/kg nhưng tại chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh qua khảo sát nhanh đang bán 22.000 - 25.000 đồng/kg thì không thể là vải thiều Lục Ngạn. Ông Dương Văn Thái cho rằng, hiện vải đã bảo đảm được chất lượng cao như tại tỉnh Bắc Giang đã có 12.560ha sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng khoảng 53.000 tấn; 158ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP với sản lượng khoảng 1.000 tấn. Tỉnh Hải Dương hiện có nhiều diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tỉnh này đạt mục tiêu đến năm 2020 có 50% diện tích vải được trồng theo quy trình an toàn, 30% diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu và đưa quả vải có thương hiệu, chất lượng ra thị trường.
Theo ông Thái, nguồn sản phẩm chất lượng cao đã có, hiện địa phương đang nỗ lực để đến mùa vải năm 2017 sẽ đưa vải có thương hiệu, được đóng gói bao bì trước khi xuất ra thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.