Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại

Nhóm phóng viên| 24/03/2021 07:16

(HNM) - Chương trình số 03-CTr/TU về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025" của Thành ủy Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trong đó đặt mục tiêu nâng tỷ lệ đô thị hóa lên 60-62%. Định hướng phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại cũng được lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện khẳng định quyết tâm, lên kế hoạch để hiện thực hóa...

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong:
Triển khai Chương trình số 03-CTr/TU từ đầu quý II-2021

Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội là một chương trình hành động nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của thành phố về phát triển đô thị theo hướng bền vững, thông minh, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện đồng bộ việc cải tạo, chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị cũ. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chương trình, Sở Xây dựng đang khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, đơn vị để tham mưu, xây dựng kế hoạch của UBND thành phố nhằm sớm triển khai chương trình từ đầu quý II-2021.

Về phía Sở Xây dựng, nhằm thực hiện chỉ tiêu chủ yếu về phát triển nhà ở, đưa diện tích nhà ở bình quân lên 27,7-29,5m2/người, chúng tôi đang tập trung hoàn thành Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chú trọng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung triển khai cải tạo, chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng sống của người dân; hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; chỉnh trang các công trình kiến trúc có giá trị; triển khai hạ ngầm cáp điện, viễn thông trên 300 tuyến phố trong khu vực phố cũ... 

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện:
Phối hợp triển khai các công trình kết cấu hạ tầng giao thông

Để thực hiện các mục tiêu đề ra trong Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy đòi hỏi phải huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Trong đó, phát triển các công trình hạ tầng giao thông theo quy hoạch, từng bước nâng tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông khu vực đô thị lên khoảng 12-15% là giải pháp quan trọng hàng đầu. Sở sẽ tích cực phối hợp với các chủ đầu tư triển khai các công trình kết cấu hạ tầng, bao gồm: Hệ thống đường vành đai, các nút giao thông, các cầu qua sông, các tuyến quốc lộ, trục hướng tâm... để bảo đảm năm 2021, tổng diện tích đất dành cho giao thông đạt 11% diện tích đất đô thị.

Mới đây, Sở cũng đã đề xuất thành phố danh mục các công trình giao thông quan trọng cần ưu tiên trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó có 6 dự án đường sắt đô thị; 5 tuyến đường vành đai; 9 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống; 5 dự án cải tạo quốc lộ kết nối Thủ đô với các tỉnh lân cận và 7 nút giao thông khác mức giải quyết ùn tắc giao thông... Cùng với đó, thành phố cũng chủ động, tích cực phối hợp đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, tiếp tục mở rộng vùng phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan:
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng thương mại

Thực hiện mục tiêu hoàn thành xây dựng 2-3 đại siêu thị, trung tâm thương mại lớn; đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới, xây dựng lại 20 chợ theo chỉ tiêu Chương trình số 03-CTr/TU nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế đô thị, Sở Công Thương tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; lập danh mục dự án hạ tầng thương mại để kêu gọi đầu tư; hoàn thành khảo sát, nghiên cứu khả thi để thực hiện dự án xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại huyện Gia Lâm; tập trung nguồn lực đầu tư công và các nguồn vốn khác để xây mới và cải tạo hệ thống chợ, bảo đảm 50% các chợ hoàn thành xây mới và cải tạo trong năm 2021. Bên cạnh đó, Sở triển khai kế hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh truyền thống kết hợp với kinh doanh trên môi trường mạng; giải tỏa và sắp xếp chợ "cóc", chợ tạm…

Tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và Phát triển" tổ chức ngày 27-6-2020, UBND thành phố Hà Nội đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư xây dựng khu outlet tại huyện Đông Anh quy mô khoảng 100ha và huyện Thạch Thất quy mô khoảng 50ha; dự án đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản tổng hợp Mê Linh (huyện Mê Linh) quy mô khoảng 23ha...

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến:
Chú trọng phát triển công trình tiện ích nhằm nâng cao đời sống nhân dân

Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU, quận Ba Đình đặt mục tiêu thực hiện tốt quản lý đô thị, phát triển đô thị theo quy hoạch gắn với phát triển kinh tế đô thị, xây dựng quận Ba Đình “Sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh hiện đại”.

Sau khi UBND thành phố phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị H1-2, quận sẽ tập trung xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc; tổ chức thiết kế đô thị các tuyến đường mở mới và một số trục đường quan trọng… Đồng thời, tập trung hoàn thành quy hoạch mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn; hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của thành phố. Ngoài ra, quận sẽ triển khai mở một số tuyến đường theo quy hoạch và hoàn thành công tác hạ ngầm, chỉnh trang đồng bộ các tuyến phố, bảo đảm tăng tỷ lệ đất giao thông trên địa bàn quận; chú trọng phát triển công trình tiện ích đô thị, văn hóa nhằm nâng cao đời sống nhân dân.

Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Xuân Đại:
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ

Song song với quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, tiến tới xây dựng huyện trở thành quận, Hoài Đức đang phối hợp với các sở, ngành tập trung rà soát hiện trạng hệ thống hạ tầng trên địa bàn, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch chuyên ngành. Trên cơ sở đó, huyện tập trung thực hiện khâu đột phá: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông, hệ thống cấp, thoát nước và xử lý môi trường... Hiện, huyện đang phối hợp với đơn vị chức năng triển khai một số dự án như: Tuyến đường số 6, 7 (quận Hà Đông - nút giao Đại lộ Thăng Long); tuyến đường Vành đai 3,5; xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại các xã: Dương Liễu, Sơn Đồng, Vân Canh; nâng cấp, cải tạo 42 hệ thống thoát nước chính trên địa bàn...

Tiến tới xây dựng huyện trở thành quận, Hoài Đức đã đề xuất những giải pháp cụ thể với thành phố để hỗ trợ huyện hoàn thành các tiêu chí còn lại, như: Cân đối thu, chi ngân sách; cơ sở y tế cấp đô thị; tỷ lệ nước thải được xử lý...

Các chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình số 03-CTr/TU:

1. Hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 đối với 5 huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng.

2. Hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố; triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại.

3. Chỉnh trang 20 nhà biệt thự và 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954.

4. Trồng mới 500.000 cây xanh đô thị (trong tổng số 3,5 triệu cây xanh trồng mới toàn thành phố).

5. Cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có; đầu tư xây dựng mới 5 công viên, vườn hoa.

6. Hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực, thông tin tại các khu vực phát triển đô thị, các tuyến đường cải tạo, xây dựng mới. Tiếp tục hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực tại 300 tuyến phố trong khu vực khu phố cũ.

7. Chỉnh trang hè, đường phố trên địa bàn 12 quận, với 180 tuyến.

8. Tỷ lệ đô thị hóa: 60-62%.

9. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng: 30-35%.

10. Diện tích nhà ở bình quân/người toàn thành phố đạt từ 27,6m2 đến 29,5m2; tổng diện tích sàn nhà ở phát triển mới khoảng 20,44 triệu mét vuông; tổng số căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành khoảng 25.000 căn hộ.

11. Triển khai đầu tư xây dựng 2-3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh.

12. Nâng tổng công suất khai thác của các nhà máy nước đạt 1,8-2 triệu mét khối/ngày - đêm; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch 100% .

13. Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 50-55%.

14. Đầu tư xây dựng 20 tuyến đường giao thông hạ tầng khung tại các huyện thuộc đề án lên quận.

15. Hoàn thành xây dựng 2-3 siêu thị, trung tâm thương mại lớn.

16. Đầu tư xây dựng 20 chợ.

17. Phát triển, mở rộng 3-5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ.

18. Triển khai đầu tư xây dựng 1 tháp trung tâm tài chính.

19. Triển khai đầu tư xây dựng 1-2 khu outlet quy mô lớn.

Các chương trình, kế hoạch chuyên ngành và đề án chủ yếu:

- Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

- Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

- Kế hoạch hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực năm 2021-2025.

- Kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước, hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch năm 2021 và bảo đảm nhu cầu cấp nước các giai đoạn cao điểm.

- Kế hoạch/chương trình trồng và chăm sóc, bảo vệ cây xanh trên địa bàn thành phố.

- Kế hoạch/chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống chiếu sáng.

- Kế hoạch hoàn thành các dự án phát triển nguồn tập trung và các dự án phát triển mạng cấp nước.

- Kế hoạch đầu tư xây dựng các hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch.

- Kế hoạch triển khai lộ trình ngừng sử dụng các giếng khai thác nước ngầm.

- Kế hoạch rà soát, kiểm tra đánh giá 1.219 biệt thự và tổ chức kiểm định các biệt thự đã xuống cấp, nguy hiểm.

- Rà soát, xác định và mở rộng tuyến phố đi bộ tại các địa điểm văn hóa, di tích, điểm thu hút khách du lịch và tụ điểm thương mại.

- Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.

- Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

- Đề án khuyến khích phát triển loại hình ô tô đưa đón tập trung cho học sinh tại các trường trên địa bàn các quận nhằm hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.

- Đề án quản lý, đầu tư cải tạo và phát triển chợ trên địa bàn thành phố.

- Đề án phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội.

- Đề án thành lập Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật của thành phố...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.