Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII, khi định hướng chỉ đạo đối với Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, lấy “yên dân” là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...”.
Định hướng trên thể hiện tầm khái quát lý luận và tổng kết thực tiễn, đúc kết kinh nghiệm lịch sử, soi rọi cho cán bộ, đảng viên, cấp ủy, chính quyền các cấp, toàn quân và toàn dân nhận thức đúng, thực hiện quyết liệt, tham gia tích cực vào nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên của đất nước.
Mối quan hệ biện chứng giữa vận mệnh đất nước gắn liền với vận mệnh của nhân dân, dựa trên “thế trận lòng dân” và tiền đề “yên dân” là mối quan hệ biện chứng giữa hình thái, phương thức bảo vệ Tổ quốc với mục tiêu tối thượng của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay và thời gian tới. Thế trận lòng dân chính là thế chân kiềng, sự ràng buộc, tác động giữa các nhân tố nội tại của thể chế chính trị: Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ.
Từ nhận thức chung nêu trên về thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, có thể vận dụng thiết thực vào thực tiễn của Thủ đô, trong đó tập trung một số giải pháp chủ yếu, mang tính căn cơ, sát hợp với thực tế.
Một là, tiếp tục quán triệt tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn Thủ đô về vị trí, vai trò chiến lược bảo vệ Tổ quốc; liên hệ sát đúng với tình hình cụ thể của Thủ đô, đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch hành động mang tầm nhìn tổng thể, giao nhiệm vụ cho từng quận, huyện, thị xã, trách nhiệm của các cấp, các ngành. Chương trình hành động của từng địa phương, cơ quan, đơn vị phải thể hiện tính bao quát từ mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, điều kiện cụ thể, thiết thực, khả thi, đặt trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và dài hạn.
Hai là, trong chuẩn bị dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, cần chú trọng đánh giá thực tiễn 40 năm xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một trọng điểm trong toàn bộ chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, chắt lọc, đề xuất một số điểm mới bổ sung vào dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng; đồng thời định hướng nhiệm vụ lớn, giải pháp đột phá nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành mô hình kiểu mẫu của “thế trận lòng dân”, lấy sự “yên dân” làm thước đo hiệu quả thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, Đảng bộ thành phố Hà Nội lãnh đạo tư tưởng chính trị trong lực lượng vũ trang Thủ đô. Khắc phục quan niệm cho rằng, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là giao phó, khoán trắng cho quân đội, công an.
Bốn là, trong quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cần phải xem xét bài toán tổng thể chiến lược, luôn đặt quốc phòng, an ninh trong sự hài hòa lợi ích chung, nhất thiết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường an ninh của Thủ đô và đất nước…
Năm là, xây dựng tuyến phòng thủ trên địa bàn Thủ đô cần tầm nhìn tổng thể, kết nối trong và ngoài, liên vùng, liên hoàn trên mặt đất và trên không trung. Trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc nhất định phải tính đến việc bảo vệ an toàn tuyệt đối các giá trị lịch sử hàng ngàn năm; phải hết sức coi trọng an ninh văn hóa, không để sự xâm lăng văn hóa hủy hoại những nét riêng có của văn hóa kinh kỳ, văn hóa Thăng Long.
Sáu là, an ninh mạng đã trở thành mối quan ngại xuyên quốc gia; còn ở Việt Nam thì các thế lực phản động, cơ hội chính trị đang lấy không gian mạng làm chiến trường để gia tăng các hoạt động tin giả hòng chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ. Thủ đô Hà Nội đã và sẽ phải tiếp tục tiên phong trên trận tuyến đấu tranh chống quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch, góp phần quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thủ đô Hà Nội còn phải đóng vai trò là nơi nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện, phát triển các vấn đề lý luận và tổng kết thực tiễn về sự kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bảy là, trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, nhất là gần 40 năm đổi mới, Thủ đô Hà Nội là chiếc nôi của nhiều gương sáng, nhiều mô hình tốt, cách làm hay của phong trào thi đua yêu nước. Hiện nay, Thủ đô Hà Nội đang là điểm sáng của việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đang quyết tâm xây dựng đời sống văn hóa, văn minh khu phố, xây dựng nông thôn mới. Đó là nhựa sống làm nên bản sắc riêng về hình ảnh Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”, theo đúng tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Tám là, cần tăng cường hơn nữa việc phát huy các ưu thế của Thủ đô Hà Nội trên lĩnh vực giao lưu quốc tế, nhất là công tác đối ngoại nhân dân. Cho nên, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước, của Thủ đô, trong đó mỗi người dân, mỗi tổ chức xã hội đều hiểu biết và đều có thể là đại sứ đối ngoại nhân dân với bè bạn năm châu. Mặt khác, mỗi người dân cũng phải có trách nhiệm nêu cao cảnh giác, kịp thời phát hiện và tố giác, tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, theo đúng tinh thần “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.
Tóm lại, bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh Thủ đô Hà Nội không chỉ là trách nhiệm của người dân trên địa bàn mà còn là của mọi người đang sinh sống, nghiên cứu, học tập, lao động, hoặc có dịp về thăm Thủ đô. Giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định là giữ được lòng dân với Đảng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự tiếp biến truyền thống lịch sử dân tộc dựng nước đi đôi với giữ nước, dựng nước và giữ nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.