(HNM) - Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm còn cao, Hà Nội lại mới chủ động được 60% lượng nông sản thực phẩm... đang là thực tế đáng lo ngại.
Để hạn chế những thực phẩm mất an toàn, hiện thành phố đang triển khai xây dựng các chuỗi cung cấp sản phẩm an toàn từ rau, thịt, cá… từ các tỉnh vào Hà Nội. Tuy nhiên, do quá trình triển khai còn nhiều khó khăn nên chưa tạo được lòng tin nơi người tiêu dùng...
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng, do sản xuất nông nghiệp trên địa bàn còn manh mún, phân tán nên khi triển khai xây dựng các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn còn vướng mắc vì trình độ nhận thức của nông dân còn hạn chế, chưa quen với việc ghi chép sổ sách nhật ký đồng ruộng cũng như cách thức chăm sóc đàn vật nuôi để có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, các sở, ban, ngành cũng như chính quyền địa phương chưa làm tốt công tác thông tin tuyên truyền nên người tiêu dùng vẫn chưa biết nhiều đến sản phẩm an toàn. Chưa kể, do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam nói chung chưa quan tâm nhiều đến sản phẩm có nguồn gốc nên nông sản, thực phẩm an toàn vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường.
Đóng gói thịt lợn sạch tại Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền. Ảnh: Thái Hiền |
Bên cạnh đó, chương trình phối hợp cung ứng rau, thịt với các tỉnh cũng còn khó khăn như: Thông tin về một số cơ sở kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản do các tỉnh cung cấp luôn thay đổi nên khó cho công tác quản lý. Một số sản phẩm tiêu thụ tại các điểm kinh doanh trong mô hình chuỗi chưa được xây dựng thương hiệu nên chưa làm được việc quảng bá sản phẩm và tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Tình trạng các sản phẩm của các tỉnh cung cấp cho Hà Nội không được thường xuyên (chỉ cung cấp theo mùa vụ), gây khó khăn trong kiểm tra, giám sát. Một lượng lớn các sản phẩm được giao dịch buôn bán tại các chợ đầu mối thường hoạt động tầm 3-5 giờ sáng hằng ngày cũng gây khó khăn cho việc quản lý của các ngành chức năng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, thời gian qua, thành phố đã quan tâm nhiều đến công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của các sản phẩm nông nghiệp lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, việc kiểm tra giám sát vẫn còn nhiều tồn tại, các cơ sở kinh doanh sản phẩm nông nghiệp còn ít, tỷ lệ cơ sở xếp loại C còn cao. Trong khi đó, việc xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn từ sản xuất tới tiêu thụ vẫn còn vướng mắc. Do đó, trong thời gian tới khi thành phố đang triển khai một loạt các cơ chế chính sách hỗ trợ cho người sản xuất cũng như doanh nghiệp trong việc cung cấp thực phẩm an toàn, các sở, ban, ngành cùng với chính quyền địa phương cần tuyên truyền để họ nắm được chính sách và giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn để người dân thực sự được hưởng sự ưu đãi này. Đồng thời, phải đẩy mạnh tuyên truyền vận động để người tiêu dùng có thói quen sử dụng thực phẩm sạch, an toàn. Hiện nay, khó khăn nhất của sản phẩm an toàn là đầu ra nên các hộ sản xuất cần liên kết lại với nhau để giảm giá thành đầu vào và tăng được giá bán.
Mới đây tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, trong năm 2015, Bộ đang thực hiện thí điểm xây dựng chuỗi thực phẩm rau, thịt an toàn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bước đầu các địa phương đang triển khai xây dựng. Hà Nội là một trong những địa phương ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, nhưng để có được nhiều sản phẩm an toàn cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ việc tuyên truyền đến giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp cũng như nông dân trong việc tiếp cận với các ưu đãi của thành phố. Đối với chương trình phối hợp, Hà Nội cần đẩy mạnh thông tin hai chiều với các tỉnh, thành phố; các tỉnh, thành phố cũng phải tích cực xây dựng các mô hình an toàn để cung cấp lại cho Hà Nội vì đây là thị trường tiêu thụ lớn... Chỉ khi những việc này thông suốt thì mong muốn của người tiêu dùng về việc được sử dụng sản phẩm nông sản sạch mới dần trở thành hiện thực.
Theo Sở NN&PTNT, đến nay Hà Nội đã xây dựng được 13 chuỗi sản phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi, cung cấp ra thị trường khoảng 4.470 tấn thịt/năm, 116 triệu quả trứng/năm và 80 tấn sữa/ngày; 13 chuỗi canh tác quả, chè cung cấp ra thị trường khoảng 9.187 tấn quả và 905 tấn búp chè/năm. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã xây dựng phối hợp chuỗi cung ứng rau, thịt với 18 tỉnh, thành phố trong cả nước. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.