Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa

Bảo Chân| 28/10/2010 07:02

(HNM) - Theo đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp của Bộ LĐ-TB&XH, cơ quan này sẽ biên soạn các tài liệu, đẩy mạnh tuyên truyền đến tận doanh nghiệp và NLĐ về pháp luật lao động.

Theo mục tiêu của đề án, việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật lao động sẽ góp phần thúc đẩy phát triển mối quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp theo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về các chính sách, pháp luật lao động nên còn xem nhẹ việc tuyên truyền pháp luật tới NLĐ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn không có bộ phận nhân sự, tiền lương… để thực hiện các chế độ cho NLĐ theo đúng quy định của pháp luật.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế, từ sự gia tăng của các cuộc đình công tại nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp và NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Theo Bộ LĐ-TB&XH, đây có thể được xem là sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng đối với NLĐ và người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, đề án nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định xã hội theo tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị.

Ông Vũ Quang Thành, Trưởng phòng Thông tin thị trường, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, từ khi tổng đài 1080 (nhánh 5, nhánh 3) đi vào hoạt động đến nay, rất nhiều NLĐ cũng như doanh nghiệp đã gọi điện đến để hỏi về những vấn đề liên quan đến chính sách lao động. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp gọi điện đến chỉ để tìm hiểu cách giải quyết các chế độ thôi việc hoặc giải quyết các chế độ bảo hiểm. Điều đó cho thấy rất nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp, chưa có bộ phận nhân sự hoặc lao động, tiền lương. Chính vì vậy, việc thực hiện và giải quyết các chế độ về pháp luật lao động cho NLĐ ở nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, chưa đúng tinh thần của luật, thậm chí còn tùy tiện. Điều này đã gây bức xúc cho NLĐ và trở thành nguyên nhân dẫn đến nhiều cuộc đình công trong thời gian gần đây.

Cũng theo một số chuyên gia về quan hệ lao động, với sự phát triển về số lượng các doanh nghiệp hiện nay, ngoài việc biên soạn các tài liệu, tổ chức tuyên truyền cho NLĐ và doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần có các trung tâm tư vấn quan hệ lao động đặt tại các quận, huyện, nhất là những nơi có nhiều doanh nghiệp, có các khu, cụm công nghiệp. Các trung tâm này vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền đến từng doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp, vừa làm công tác tư vấn, giải đáp các thắc mắc cho NLĐ và cả người sử dụng lao động. Trong trường hợp cần thiết, chính các trung tâm này sẽ trở thành đơn vị trung gian hòa giải những bất đồng trong các mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp.

Hiện nay, hệ thống công đoàn đã có các trung tâm tư vấn pháp luật lao động, nhưng hệ thống này còn thưa và chưa đáp ứng được nhu cầu quá lớn của NLĐ, vì vậy cần phải duy trì cả hai hình thức: tuyên truyền qua hệ thống tờ rơi, văn bản, các kênh truyền thông và qua tuyên truyền trực tiếp tại các trung tâm tư vấn quan hệ lao động. Và để làm được như vậy, chắc chắn cần phải có thời gian cũng như cần có sự đầu tư một cách thỏa đáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng quan hệ lao động hài hòa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.