Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng nông thôn mới ở Mê Linh: Khơi nguồn nội lực

Quỳnh Dung| 29/10/2010 07:41

(HNM) - Huyện Mê Linh xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình rà soát hiện trạng nông thôn và triển khai thí điểm chương trình xây dựng NTM ở xã Liên Mạc đã bộc lộ nhiều khó khăn như tỷ lệ hộ nghèo còn cao, hệ thống trường học 3 cấp (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở), giao thông thủy lợi nội đồng còn hạn chế…

Cánh đồng rau ở huyện Mê Linh. Ảnh: TTXVN


11/19 tiêu chí chưa đạt
Ngay sau khi thành phố (TP) có chủ trương xây dựng NTM, huyện Mê Linh đã khảo sát thực trạng nông thôn trên địa bàn, lập đề án trình TP phê duyệt và chọn xã Liên Mạc làm điểm xây dựng NTM. Hiện nay, hiện trạng nông thôn của Mê Linh còn rất nhiều khó khăn so với tiêu chí quốc gia về NTM, cả huyện chỉ có một tiêu chí đạt là hệ thống an ninh trật tự, xã hội được giữ vững; 7/19 tiêu chí cơ bản đạt trên 50% yêu cầu như: giao thông nông thôn, nhà ở dân cư, hệ thống điện, văn hóa… còn lại tới 11/19 tiêu chí chưa đạt là: môi trường, giáo dục, quy hoạch, trường học, thủy lợi, cơ sở văn hóa xã, thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu lao động. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo của huyện so với tiêu chí mới còn cao (8,64%).

Hiện tại, tỷ lệ các xã có quy hoạch thấp, chất lượng quy hoạch không cao, chưa được thường xuyên cập nhật, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, đặc biệt là quy hoạch phát triển các khu dân cư nông thôn, quy hoạch sử dụng đất… Ngoài ra, huyện có gần 80% dân số làm nông nghiệp nên việc tăng thu nhập cho người dân rất khó khăn, hơn nữa hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, kênh mương được kiên cố hóa còn rất thấp nên cũng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dẫn đến giá trị trên một héc ta đất canh tác còn thấp. Đồng thời, để xây dựng NTM, trung bình mỗi xã phải đầu tư hơn 200 tỷ đồng, nên khó triển khai đồng loạt, trong khi việc huy động sức dân đóng góp xây dựng các công trình công cộng rất khó khăn…

Ông Nguyễn Văn Nông, Chủ tịch UBND xã Liên Mạc cho biết: Mặc dù được huyện chọn làm thí điểm xây dựng NTM nhưng việc triển khai cũng còn rất nhiều vấn đề nan giải. Gần 90% dân số xã sống bằng sản xuất nông nghiệp, nên việc tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm để chuyển dịch số lao động nông nghiệp sang làm nghề khác là rất khó. Những năm qua, huyện và xã đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi nhưng nông nghiệp vẫn phát triển manh mún, nhỏ lẻ, nên giá trị trên đất canh tác còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo của xã rất cao, tới 10,06%.

Huy động mọi nguồn lực
Bà Trần Thị Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Trong thời gian tới để xây dựng thành công NTM, Mê Linh phải huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của TP, huyện chủ trương dựa vào nội lực là chính, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để mọi người dân tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng quê hương, mức đóng góp tùy theo điều kiện cụ thể, của từng gia đình và của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Ngoài ra, huyện đề nghị TP Hà Nội cần có cơ chế đặc thù riêng cho huyện về các nguồn thu từ đất như: đối với các dự án đấu giá quyền sử dụng đất có quy mô trên 5.000m2 thì điều chỉnh tỷ lệ cho ngân sách địa phương 50%. Những xã có giá đất thấp nên ưu tiên để lại 100%; đối với các dự án giao đất, cho thuê đất có thu tiền sử dụng đất đề nghị TP điều chỉnh tỷ lệ điều tiết cho cơ sở từ 20% lên 30%... để các địa phương có điều kiện đẩy mạnh kiến thiết hạ tầng cơ sở.

Theo ông Đường Văn Quang, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh, để tổ chức lại sản xuất, trong chương trình xây dựng NTM, huyện sẽ quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp thành vùng sản xuất tập trung hàng hóa quy mô lớn có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao như quy hoạch 700/1.000ha rau an toàn cho các xã vùng ven sông Hồng, đồng thời tập trung phát triển 450ha hoa, xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao để nâng cao thu nhập cho nông dân. Ngoài ra, huyện sẽ hỗ trợ kinh phí cho việc dồn điền đổi thửa; khuyến khích tích tụ ruộng đất gắn với phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã và các loại hình doanh nghiệp để góp phần chuyển dịch lao động và từng bước xây dựng các thương hiệu sản phẩm. Đưa cơ giới hóa vào quá trình sản xuất từ khâu làm đất, thu hoạch và chế biến; tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Củng cố, kiện toàn các hợp tác xã nông nghiệp để nâng cao chất lượng hoạt động, làm nòng cốt trong việc tổ chức chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, cơ cấu mùa vụ. Đồng thời, tổ chức tốt mối liên kết, liên doanh giữa hợp tác xã với doanh nghiệp và Nhà nước, tạo bước "đột phá"trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, từng bước nâng cao đời sống cho nông dân…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn mới ở Mê Linh: Khơi nguồn nội lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.