Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng nông thôn mới ở Làng cổ Đường Lâm: Ngổn ngang trăm mối!

Ngọc Quỳnh| 17/01/2014 06:34

(HNM) - Do có làng cổ nên khi xây dựng nông thôn mới, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây gặp không ít khó khăn.


Theo UBND xã Đường Lâm, năm 2012 bắt tay vào xây dựng NTM, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tranh thủ sự ủng hộ của cán bộ và nhân dân. Đến nay xã đã hoàn thành 7.448m2 đường ngõ xóm giai đoạn 1 ở 5 thôn gồm: Phụ Khang, Cam Lâm, Đông Sàng, Cam Thịnh, Hưng Thịnh, trị giá 2 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 250 triệu đồng và hàng nghìn ngày công. Đến nay, xã đã đạt và cơ bản đạt 13/19 tiêu chí, bộ mặt nông thôn bước đầu có những thay đổi đáng phấn khởi.

Phát triển dịch vụ thương mại, kết hợp với du lịch sẽ góp phần cải thiện đáng kể thu nhập cho người dân ở Làng cổ Đường Lâm.


Tuy nhiên, việc xây dựng NTM của xã vẫn bộn bề khó khăn. Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm Phan Văn Hòa cho biết, để hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2015, xã Đường Lâm gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn rộng, trên địa bàn có vùng đồi gò, đất bạc màu nên khó khăn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Dân số khá đông, tỷ lệ lao động nông nghiệp cao, thu nhập bình quân đầu người mới đạt khoảng 16-17 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 6,25%; trên địa bàn xã lại không có doanh nghiệp nên việc huy động nguồn vốn xây dựng NTM rất nan giải. Không những thế, nhận thức về xây dựng NTM của một số cán bộ đảng viên và nhân dân còn hạn chế, gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện.

Thực tế, trước khi xây dựng NTM, Đường Lâm xếp loại trung bình của thị xã, hạ tầng cơ sở còn chưa đồng bộ, đặc biệt là công trình hạ tầng còn hạn chế. Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng nhưng hệ thống giao thông vẫn chưa đồng bộ. Một số đường ngõ xóm ở các thôn Phụ Khang, Đông Sàng, Mông Phụ đã được phê duyệt nhưng chưa thi công ở các thôn còn lại, mới dừng lại ở khâu khảo sát đo đạc thiết kế bổ sung, đề nghị thị xã phê duyệt. Mặc dù người dân Đường Lâm đã tự đóng góp làm mới 512m cống rãnh thoát nước nhưng hiện toàn xã vẫn còn 8.600m chưa nâng cấp…

Ngoài ra, 16.730m đường trục chính nội đồng của xã vẫn là đường đất. Toàn xã mới có 700m/15.000m mương tưới được cứng hóa từ năm 2004, một số tuyến đã xuống cấp, ảnh hưởng đến việc canh tác. Hệ thống mương tiêu dài 7.400m cũng chưa được đầu tư bê tông hóa. Đặc biệt, tuyến ngõ vào thôn Mông Phụ là làng cổ phải lát gạch để bảo tồn nên cần nhiều kinh phí. Các công trình nhà văn hóa và trường mầm non ở làng cổ Mông Phụ đều xuống cấp nhưng không có đất để xây mới…

Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí xây dựng các công trình đường làng ngõ xóm, đường nội đồng, kênh mương thủy lợi để phục vụ sản xuất, phấn đấu bê tông hóa đạt 60% vào năm 2014 và hoàn thành trong năm 2015. Bên cạnh đó xã Đường Lâm sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy chi bộ, chính quyền trong việc kiểm tra giám sát đầu tư cộng đồng, đôn đốc các tiểu ban ở thôn và các đơn vị nhà thầu thực hiện dự án theo đúng kế hoạch. Để nâng cao đời sống người dân, ngoài việc chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, Đường Lâm sẽ phối hợp với các ban, ngành mở các lớp dạy nghề cho người lao động để giải quyết việc làm ở khu vực nông thôn, phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại kết hợp với du lịch để tăng thêm thu nhập cho người dân…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn mới ở Làng cổ Đường Lâm: Ngổn ngang trăm mối!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.