(HNM) - Hồng Dương là xã phát triển khá toàn diện về kinh tế, xã hội được huyện Thanh Oai chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Nhưng khi rà soát đối chiếu với 19 tiêu chí quốc gia về NTM thì Hồng Dương mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí.
Những khó khăn trong XDNTM ở Hồng Dương đang được tháo gỡ và đẩy nhanh tiến độ trên cơ sở chính quyền nỗ lực, dân đồng thuận tạo ra bước khởi sắc mới.
Phát triển kinh tế, xã hội gắn với XDNTM
Chủ tịch UBND xã Hồng Dương Đỗ Quyết Thắng cho biết, là địa phương có lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Từ năm 2000, Hồng Dương đã xác định hướng phát triển kinh tế vững chắc phải đứng vững "2 chân" là chuyển đổi cơ cấu cây trồng tăng giá trị thu nhập trên diện tích canh tác và sản xuất hàng thủ công xuất khẩu. Trên lĩnh vực nông nghiệp, đến năm 2009 toàn xã đã cơ bản hoàn thành dồn ô đổi thửa, mỗi hộ từ 1,5 đến 2 ô, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Phong trào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế trang trại ở Hồng Dương tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn. Điển hình gia đình anh Nguyễn Văn Thành (thôn Ngọc Đình) chuyển đổi hơn 10ha theo mô hình "lúa - cá - chăn nuôi" từ năm 2005 cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha, gia đình anh Đỗ Xuân Danh (thôn Hoàng Trung) chuyển đổi gần 6ha, thu nhập hơn 80 triệu đồng/ha.
Cùng với đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, Hồng Dương còn mở rộng TTCN với nghề chẻ tăm hương, mây, tre đan, chế biến thực phẩm... Đến nay, toàn xã có hơn 90% số hộ làm nghề (hơn 2.500 hộ), 7/7 làng được công nhận làng nghề. Tốc độ phát triển kinh tế của Hồng Dương trong những năm qua tăng trưởng bình quân 14%/năm, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, tinh thần văn hóa, xã hội cho nhân dân. Cả xã có 7/7 làng, khu dân cư và 4 cơ quan được công nhận văn hóa, trong đó có 4 làng Tảo Dương, Hoàng Trung, Ba Dư, Phương Nhị được công nhận làng văn hóa lần 2. Hồng Dương đã xây dựng 2 trường học và trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. An ninh, trật tự xã hội luôn bảo đảm tốt. Đặc biệt, Hồng Dương đã bê tông hóa đường giao thông liên thôn, liên xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân.
Khó đạt đủ 19 tiêu chí
Nhờ kinh tế phát triển toàn diện, nên công tác đầu tư xây dựng cơ bản được xã quan tâm. Trong 3 năm qua Hồng Dương đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây dựng kiến trúc hạ tầng. Tuy nhiên, để đáp ứng 19 tiêu chí XDNTM, chuyển giao KHKT vào sản xuất nông nghiệp, hệ thống kênh mương nội đồng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Hệ thống đường trục chính từ xã tới thôn cơ bản hoàn thành nhưng đường giao thông trong thôn, xóm mới đáp ứng được 80%. Toàn xã có hơn 20km kênh mương nội đồng nhưng mới chỉ có hơn 5km được cứng hóa (đáp ứng 25%). Chỉ có 4/7 nhà văn hóa của thôn (đáp ứng hơn 50%), còn lại 3 thôn nhân dân sinh hoạt văn hóa ở các đình làng. Trạm y tế tuy được công nhận chuẩn gần 10 năm, phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân 12 xã trong vùng nhưng xây dựng đã hơn 52 năm. Thiết bị khám, chữa bệnh trang bị đã lâu, lạc hậu nên không còn phù hợp cần phải đầu tư, xây mới… Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Oai Bùi Văn An nhận xét, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, quy hoạch sử dụng đất của Hồng Dương hoàn thành nhưng đối chiếu với tiêu chí XDNTM chưa phù hợp về hệ thống đường, khuôn viên cây xanh, khu TDTT, trung tâm thương mại, hệ thống thoát nước...
Thực hiện các bước khảo sát mới đây, đánh giá theo bộ tiêu chí quốc gia, kết quả cho thấy Hồng Dương mới chỉ đạt được khoảng hơn 30% theo 19 tiêu chí. Hiện nay Hồng Dương đang tiếp tục xây dựng các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, như sản xuất lúa chất lượng cao, phát triển trồng cây vụ đông, hình thành nhiều trang trại tập trung. Bên cạnh đó, Hồng Dương sẽ mở rộng sản xuất ngành nghề, phát triển TTCN, đa dạng hóa các sản phẩm làng nghề, tạo việc làm và tăng nhanh thu nhập cho nông dân. Để hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, ngoài ngân sách hỗ trợ theo đề án của Nhà nước, Hồng Dương đang có nhiều giải pháp huy động vốn từ nội lực theo phương thức xã hội hóa trong XDNTM. Hồng Dương sẽ huy động sự đóng góp từ nhân dân, đặc biệt là của những người đi công tác xa quê, các cơ sở sản xuất trên địa bàn ủng hộ chương trình XDNTM cho quê nhà. Địa phương sẽ bàn cách đấu thầu những diện tích đất xen kẹp, đấu thầu quỹ đất 2 để tăng nguồn thu cho ngân sách xã đầu tư XDNTM. Ngoài ra, các vấn đề về quy hoạch đất đai, thủy lợi... Hồng Dương còn đang lúng túng, rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan chuyên môn để thúc đẩy nhanh tiến trình XDNTM.
Chủ trương XDNTM đang được nhân dân Hồng Dương hào hứng và tạo sự đồng thuận cao giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Tuy vẫn còn những khó khăn, nhưng với sự đoàn kết và giám sát tầm cao, tin rằng chương trình XDNTM sẽ sớm thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.