(HNM) - Cơ sở vật chất văn hóa là tiêu chí số 6 trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, hàng trăm nhà văn hóa ở khắp các thôn, làng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được đầu tư xây dựng khang trang, góp phần quan trọng nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiện một số thôn, làng vẫn chưa có nhà văn hóa. Hà Nội đang nỗ lực triển khai giải pháp hỗ trợ để nhà văn hóa được "phủ sóng" tất cả thôn, làng trong thời gian sớm nhất.
Khẳng định tính hiệu quả
Nhà văn hóa tại thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) không chỉ là nơi hội họp của người dân mà còn là nơi tập luyện của thành viên các câu lạc bộ văn nghệ, dưỡng sinh… và tổ chức thi đấu thể thao của thôn. Chủ tịch UBND xã Song Phượng Bùi Văn Đức cho biết: Trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát, nhà văn hóa các thôn trở thành địa điểm họp của các tổ Covid-19 cộng đồng, nơi tiếp nhận ủng hộ tiền và vật chất phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Còn ông Bùi Văn Trường ở thôn Tháp Thượng phấn khởi chia sẻ: “Từ khi có nhà văn hóa khang trang, tất cả các hoạt động của thôn đều diễn ra ở đây. Nhân dân rất phấn khởi”.
Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đan Phượng Nguyễn Đức Thuận, đến hết năm 2020, huyện đã có 120 nhà văn hóa thôn, làng. Tại đây, huyện còn lắp đặt các dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân.
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại huyện Ðông Anh, Gia Lâm, Hoài Ðức, Quốc Oai…, cho thấy các thôn, làng đều được đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang, có khuôn viên sạch, đẹp. Một số địa bàn, nhà văn hóa thôn được xây dựng 2 tầng, có thư viện, phòng chơi bóng bàn…
Mặc dù vậy, tại một số huyện như Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ…, việc xây dựng nhà văn hóa còn nhiều khó khăn. Ví dụ, huyện Phúc Thọ mới có 88/163 nhà văn hóa, nhà hội họp đạt tiêu chí của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (chiếm 54%). “Nguyên nhân là nhiều nhà văn hóa được xây dựng cách đây 15-20 năm, có quy mô nhỏ và đã xuống cấp nên không đạt chuẩn...”, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho biết. Trong khi đó, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thành Đô thông tin: Do địa phương khó khăn về nguồn kinh phí, huyện đã kiến nghị thành phố hỗ trợ kinh phí đầu tư 13 nhà văn hóa còn thiếu để hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) Lê Đình Bình thông tin, trên địa bàn xã có 12 thôn nhưng chỉ thôn Nghĩa Lộ có nhà văn hóa. Xã mong muốn được huyện và thành phố quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu xây dựng nông thôn mới nâng cao và nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho người dân. Tại thôn Bảo Lộc, xã Võng Xuyên, bà Vũ Thị Hường cho biết: “Thôn chỉ có nhà hội họp, quy mô rất nhỏ, không có khuôn viên để tập luyện thể dục, thể thao. Người dân mong mỏi được đầu tư xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn trên địa bàn thôn”.
Cùng nỗ lực vào cuộc
Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đến tháng 8-2020, sau khi kiện toàn, sáp nhập các thôn, làng (theo Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 26-12-2019 của HĐND thành phố Hà Nội), thành phố có 2.155/2.394 thôn có nhà văn hóa (chiếm 90%). 239 thôn chưa có nhà văn hóa hoặc nhà văn hóa đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn sử dụng được. Đến hết năm 2020, ngân sách thành phố đã hỗ trợ các huyện đầu tư xây dựng được 109 nhà văn hóa với mức 2,5 tỷ đồng/nhà; số nhà văn hóa còn thiếu là 130, dự kiến sẽ được hỗ trợ trong năm 2021.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng. Tiêu chí “chấm điểm” xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao mỗi giai đoạn lại được điều chỉnh theo hướng đáp ứng ngày càng cao hơn. Ví như, ở giai đoạn 2011-2015, chỉ cần có nhà hội họp là cũng có thể được điểm tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, nhưng hiện nay, đòi hỏi phải có nhà văn hóa đạt chuẩn… Chính vì vậy, các địa phương cần không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.
Về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, các địa phương cần nỗ lực vào cuộc, hỗ trợ về giải phóng mặt bằng các địa điểm dự kiến xây dựng nhà văn hóa. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để có thêm kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, hội họp và làm phong phú hoạt động của nhà văn hóa.
Mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” của Thành ủy Hà Nội đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát tổng thể nhà văn hóa trên địa bàn các huyện. Trên cơ sở đó, đánh giá, phân loại, tổng hợp danh mục, báo cáo UBND thành phố về việc hỗ trợ xây dựng các nhà văn hóa theo quy định. Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2022, tất cả thôn, làng đều có nhà văn hóa đạt chuẩn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.