(HNM) - Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định quan điểm tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đồng thời, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng để đạt tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Nhà nước của nhân dân, vì nhân dân
Nhìn lại quá trình 76 năm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng là quá trình từng bước xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ tư duy đến hành động thực tiễn. Khởi đầu bằng việc tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội đại diện cho nhân dân vào ngày 6-1-1946, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, nước nhà giành được độc lập. Cuộc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín lần đầu tiên diễn ra ở Việt Nam đã thành công rực rỡ với 89% cử tri đi bỏ phiếu và trong số 333 đại biểu trúng cử Quốc hội khóa I có mặt đa dạng thành phần, trong đó 43% là không đảng phái.
Cùng với Tổng tuyển cử dân chủ để bầu cử Quốc hội, sự ra đời của bản Hiến pháp đầu tiên vào ngày 9-11-1946 đã hiện thực hóa tư tưởng về Nhà nước pháp quyền dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Kể từ thời điểm đó, Việt Nam đã chính thức bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với dân chủ và pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Sau 25 năm đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 được bổ sung, phát triển tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (năm 2011) đã xác định những đặc trưng cơ bản của mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam mà nhân dân ta phấn đấu xây dựng là: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa...”.
Quan điểm, định hướng trong văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng đã được thể chế hóa thành những quy định cốt lõi của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001) và gần đây nhất là Hiến pháp năm 2013, tạo ra hành lang pháp lý vững chắc. Đó là kim chỉ nam cho quá trình từng bước đổi mới toàn diện tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị, trong đó trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cả trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.
Quyền làm chủ của nhân dân qua lá phiếu
Hôm nay, ngày 23-5-2021, cử tri cả nước thực hiện một quyền chính trị quan trọng, đó là bỏ phiếu để bầu ra những người đại diện của mình trong Quốc hội khóa XV - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và trong HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Rõ ràng, những mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, những mong mỏi của nhân dân về một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân, vì dân có đạt được hay không phụ thuộc rất lớn vào kết quả và sự thành công của cuộc bầu cử này. Đó cũng là tinh thần được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong bài viết với quan điểm: “Chúng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”...
Trong 5 năm tới là nhiệm kỳ có ý nghĩa bản lề quan trọng trên tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đưa nước ta ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, đồng thời tận dụng những thời cơ và vận hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, tạo ra những bứt phá cho sự phát triển đất nước, tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn… Những đại biểu được lựa chọn ra trong cuộc bầu cử này sẽ thay mặt nhân dân, nói lên tiếng nói của nhân dân trong Quốc hội, HĐND để quyết định những vấn đề trọng đại của địa phương và đất nước, góp phần thực hiện vai trò, chức năng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Những quyết định, hành động của họ có đúng đắn, sáng suốt hay không, đất nước có phát triển “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” đi lên chủ nghĩa xã hội được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào “tâm, tầm, tài” của các đại biểu. Vì thế, lá phiếu của mỗi cử tri có vai trò đặc biệt quan trọng để chọn ra những người thực sự xứng đáng, có đủ đức, đủ tài đứng ra gánh vác trọng trách phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Quyền bầu cử để xây dựng Nhà nước độc lập, tự do là quyền thiêng liêng mà biết bao thế hệ người Việt Nam đã phải hy sinh xương máu của mình mới giành được nên mỗi cử tri hôm nay sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; mỗi sự giám sát, ủng hộ của nhân dân trong suốt quá trình trước, trong và sau bầu cử chính là thể hiện sự trân trọng những thành quả của cha ông để lại cũng như đóng góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.