(HNM) - “Hệ sinh thái giáo dục sáng tạo không chỉ đáp ứng đòi hỏi thực tiễn về nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nội - Thành phố sáng tạo, mà còn bảo đảm cho chiến lược phát triển toàn diện và bền vững của Thủ đô” - là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo “Phát triển giáo dục sáng tạo trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”". Sự kiện diễn ra hôm qua, 20-12, do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản chủ trì.
Vẫn còn nhiều “khoảng trống“
Sau 20 năm nhận danh hiệu Thành phố Vì hòa bình (1999-2019), Hà Nội chính thức ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn phát triển nhanh và bền vững của Hà Nội trên con đường hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời là điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển Thủ đô bằng cách khơi dậy tình yêu, tinh thần cống hiến và khát vọng sáng tạo, không ngừng vươn lên của mỗi người dân Hà Nội.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học cho biết, thành phố đề ra 3 nhóm chính sách nền tảng, trong đó có nhóm chính sách giáo dục sáng tạo và đổi mới, nhằm tập trung hình thành, phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội được giao nhiệm vụ tham mưu xây dựng Đề án về “Phát triển giáo dục sáng tạo trên địa bàn Thủ đô - Tầm nhìn đến năm 2030”. Hội thảo là dịp đánh giá thực trạng việc phát triển giáo dục sáng tạo ở Thủ đô trong giai đoạn hiện nay, đồng thời gợi mở những sáng kiến, giải pháp phát triển giáo dục sáng tạo, góp phần xây dựng đề án, bảo đảm mục tiêu ươm mầm, phát hiện, nuôi dưỡng và tạo nguồn nhân lực cho định vị thương hiệu Hà Nội - Thành phố sáng tạo trong khu vực và trên thế giới”, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học nói.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, chỉ ra những mặt mạnh, hạn chế của việc phát triển giáo dục sáng tạo ở Hà Nội. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nêu: “Giáo dục sáng tạo ở Thủ đô đã có chủ trương, song hành động còn chậm. Hệ sinh thái đã được hình thành, nhưng còn nhiều “khoảng trống”. Hà Nội vẫn chưa có được chương trình giáo dục địa phương tập trung cho giáo dục sáng tạo. Nhận thức về hệ sinh thái học tập, sáng tạo, hệ sinh thái giáo dục thông minh còn chưa thống nhất, toàn diện; ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố...”.
Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, ngành Mỹ thuật cần đề cao tính sáng tạo, khác biệt, cá tính trong nghệ thuật làm mục tiêu quan trọng của việc đào tạo. Tuy nhiên, môi trường này ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn thiếu vắng sự sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, chưa khuyến khích tận cùng việc phát triển cá tính sáng tạo cũng như không phù hợp với thực tiễn sáng tác, thực hành nghệ thuật sôi động trên thế giới.
Giáo dục sáng tạo có ý nghĩa chiến lược
Giáo dục sáng tạo là yếu tố then chốt để hình thành các công dân sáng tạo - nguồn lực quan trọng nhất của xã hội sáng tạo, quốc gia khởi nghiệp. Chính vì thế, trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo, việc quan tâm đến giáo dục sáng tạo cần phải được xem là một trong những giải pháp quan trọng, để tinh thần sáng tạo lan tỏa, thẩm thấu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, ý nghĩa của việc đưa giáo dục sáng tạo vào chiến lược xây dựng thành phố sáng tạo. Đồng thời, triển khai tốt Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2026, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặc biệt là chương trình hành động của Thành phố sáng tạo, nhằm ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo. Ngoài ra, cần tiếp tục chú trọng xây dựng chương trình giáo dục trong nhà trường, tăng cường các môn giáo dục nghệ thuật, hướng đến tính ứng dụng trong cuộc sống, phát huy khả năng sáng tạo của học sinh...
Liên quan đến vấn đề này, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho rằng, giáo dục sáng tạo giúp lan tỏa tinh thần sáng tạo thông qua các công dân sáng tạo. “Kết quả của hội thảo hôm nay sẽ là căn cứ mang tính lý luận cũng như thực tiễn để chúng tôi tiếp tục hoàn thành việc tham mưu xây dựng Đề án về “Phát triển giáo dục sáng tạo trên địa bàn Thủ đô - Tầm nhìn đến năm 2030”, góp phần tham mưu có hiệu quả trong việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn Thủ đô Hà Nội”, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.