(HNM) - Dịch Covid-19 ập đến, cuốn theo những thay đổi trong cuộc sống của mỗi nhà. Đã có những bất tiện, xáo trộn trong khoảng thời gian mọi người hạn chế ra ngoài để ở nhà chống dịch, song nhiều gia đình đã tìm cách thích nghi, biến khoảng thời gian ở nhà là cơ hội để mang đến những sắc thái mới trong cuộc sống. Trong đó, chọn sách làm người bạn hữu ích là niềm vui của không ít gia đình.
Thay vì sự bí bách, ngột ngạt khi thiếu không gian để giao lưu, sách đã mở ra những thế giới mới với nhiều người. Ở đó là cả một “bầu trời” với bao điều bổ ích để cả nhà quây quần bàn thảo, cùng “nói chuyện” với sách. Đặc biệt, với những cặp vợ chồng có con nhỏ, đây là thời điểm quan trọng để cha mẹ có điều kiện định hướng, tạo lập, bồi đắp thói quen đọc sách cho con.
Thêm nữa, ngoài những kênh mua và đọc sách truyền thống, việc có thêm những ứng dụng về công nghệ hiện đại đã giúp nhiều gia đình có thêm sự lựa chọn. Đó là các kênh bán sách trực tuyến, nghe sách audio... đã giúp sách đến với mỗi người nhanh hơn.
Song, không phải gia đình nào cũng tạo lập được thói quen đọc sách, bởi nhiều nguyên nhân, như: Thu nhập còn hạn chế; sách trang bị ở nhà văn hóa, thư viện (đặc biệt ở vùng nông thôn) kém hấp dẫn người đọc... Và đặc biệt, nhiều người chưa ý thức được vai trò to lớn của sách nên chưa chú trọng nếp văn hóa này.
Đọc sách, tích lũy tri thức từ sách sẽ góp phần giáo dục, hoàn thiện nhân cách con người. Tạo lập thói quen đọc sách trong mỗi người, mỗi nhà sẽ góp phần tạo dựng một xã hội tri thức, lành mạnh, đồng thời đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
Để đọc sách trở thành nếp sinh hoạt thường xuyên của mỗi gia đình thay vì dừng lại là một công cụ giải trí đơn thuần hay “giết thời gian” do phải hạn chế tối đa đi ra ngoài trong thời gian giãn cách xã hội, việc nuôi dưỡng văn hóa đọc cần được mỗi người duy trì, phát triển. Trong đó, gia đình có vai trò quan trọng, mang tính nền tảng để tạo lập thói quen cho trẻ thích đọc sách ngay từ khi còn nhỏ. Mỗi bậc cha mẹ nên định hướng, gắn kết trẻ với sách, coi sách là bạn; nên dành thời gian cùng con “trò chuyện” với sách, tạo niềm vui cho con trẻ từ sách. Song song đó, ông bà, cha mẹ, anh chị cần làm gương, chăm chỉ đọc sách; biến sách thành chất keo gắn kết, tạo nên những sở thích chung của gia đình.
Ươm, kích mầm đọc để dần hình thành thói quen trong mỗi gia đình, hai ngành Giáo dục và Xuất bản và các chính quyền cơ sở cần phối hợp, tăng cường tổ chức những hoạt động đọc sách bổ ích trong những ngày hội sách, hay những dịp như Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi, Ngày Gia đình Việt Nam... cho cả gia đình có thể tham gia. Ngoài ra, việc các địa phương, các nhà xuất bản, nhà văn hóa, thư viện, nhà trường đẩy mạnh liên kết, triển khai các hoạt động khuyến khích người dân đọc sách, hình thành các tủ sách gia đình cũng cần được chú trọng.
Bên cạnh đó, để có thể duy trì và phát triển văn hóa đọc, cũng cần những tác phẩm hay, chất lượng, phù hợp với từng đối tượng; nội dung, lĩnh vực đề cập đa dạng, phong phú. Sách phải được phân bổ đều khắp các địa phương trong cả nước để người dân có thể tiếp cận một cách đơn giản nhất, thuận lợi nhất. Trong đó, cần có chính sách ưu đãi đặc biệt, giảm giá với vùng nông thôn, những địa phương còn nghèo để các gia đình có thu nhập hạn chế vẫn có thể xây dựng tủ sách riêng cho gia đình mình.
Hình thành văn hóa đọc trong gia đình là cả một câu chuyện đường dài mà ở đó đòi hỏi sự bền bỉ, nỗ lực của mỗi thành viên. Xây dựng và nuôi dưỡng văn hóa đọc, ngoài quyền lợi thì đó còn là trách nhiệm với chính cá nhân, gia đình mình, với cộng đồng để hình thành một xã hội học tập, xã hội tri thức, thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội cho cả hôm nay và mai sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.