(HNMO) - Sáng 8-12, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức tọa đàm “Lý luận – thực tiễn 20 năm hình thành và phát triển các Trung tâm bồi dưỡng chính trị trên địa bàn Hà Nội”. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì tọa đàm.
Hiện TP Hà Nội có 30 Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Hàng năm, các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện đào tạo, bồi dưỡng khoảng 300 nghìn lượt học viên với gần 2 nghìn lớp. Riêng năm 2014, các Trung tâm đã mở 1.911 lớp với 301.809 lượt học viên.
Trong đó, khối Đảng có 472 lớp với gần 66 nghìn lượt học viên; khối Nhà nước có 723 lớp với trên 105 nghìn lượt học viên; khối đoàn thể có 397 lớp với trên 70 nghìn lượt học viên… Ngoài ra, các Trung tâm còn phối hợp mở trên 300 lớp đại học, trung cấp lý luận chính trị - hành chính, các lớp bồi dưỡng chuyên đề…
Tham luận tại đây, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị trên địa bàn Thành phố phân tích, làm rõ và khẳng định sự đúng đắn của Trung ương trong việc ban hành Quyết định số 100/QĐ-TW, ngày 3/6/1995 về việc thành lập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận, huyện.
Các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cơ sở; đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Phát biểu kết luận cuộc tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu rõ: Sau 20 năm hình thành và phát triển, các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị đã khẳng định vai trò trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở, là công cụ hữu hiệu của các cấp ủy. Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng như Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố đều xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ các cấp là một trong ba khâu đột phá.
Điều này càng cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Trung tâm bồi dưỡng chính trị. Sau buổi tọa đàm, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ chế, chính sách liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để kịp thời tham mưu Thành ủy bổ sung, hoàn thiện những vấn đề thuộc thẩm quyền, đồng thời kiến nghị với Trung ương khắc phục những vấn đề còn tồn tại, bất cập trong hoạt động của các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận, huyện.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy khẳng định, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ xây dựng một mô hình chuẩn của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận, huyện để áp dụng thống nhất trên toàn địa bàn. Đồng chí yêu cầu Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các quận, huyện cần tích cực, chủ động trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; đổi mới phương pháp giảng dạy; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của các Trung tâm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.