(HNM) - Môi trường văn hóa là nơi diễn ra các hoạt động của con người, hiện thực hóa các quan hệ của con người với con người, con người với thiên nhiên và con người với chính mình.
Môi trường văn hóa là nơi các cá thể người thể hiện phẩm chất người, nói cách khác là phẩm chất văn hóa của mình, đến lượt mình, môi trường văn hóa lại là nơi con người thực hiện quá trình nhập thân văn hóa của mình, là nơi kiểm soát các hành vi của con người.
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, có đoạn: “Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã khơi dậy được nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng. Việc xây dựng môi trường văn hóa đã được chú trọng hơn”.
Báo cáo chính trị cũng khẳng định: "Tuy nhiên, so với những thành quả trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành quả trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn.
Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng". Định hướng xây dựng môi trường văn hóa cho chặng đường sắp tới, được xác định: "Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống". Vấn đề đặt ra, làm sao thực hiện được định hướng ấy?
Ở đây, cần minh định rõ ràng môi trường văn hóa ở các không gian khác nhau sẽ đánh giá theo các tiêu chí khác nhau; tiêu chí đánh giá môi trường văn hóa ở gia đình không giống như tiêu chí đánh giá môi trường văn hóa ở công sở; tiêu chí đánh giá môi trường ở doanh nghiệp cũng phải khác với tiêu chí đánh giá môi trường văn hóa ở làng, xã… Đồng thời, cũng phải thấy quan hệ qua lại, biện chứng giữa môi trường văn hóa và các cá thể ở những không gian khác nhau sẽ khác nhau. Vai trò của gia đình với mỗi cá thể không giống vai trò của công sở với mỗi nhân viên của công sở. Có xác định được sự khác biệt ấy, mới có thể có những giải pháp cụ thể, hy vọng có hiệu quả để cải thiện môi trường văn hóa.
Từ khi thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Ban chấp hành Trung ương khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta đã triển khai Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đánh giá phong trào này như Báo cáo chính trị quả là chính xác, có điều chưa chỉ ra tác động ngược của phong trào này với sự phát triển văn hóa. Để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh như yêu cầu của Báo cáo chính trị, có nhiều vấn đề cần giải quyết.
Thứ nhất là, nêu cao vai trò của gia đình trong xây dựng môi trường văn hóa. Trong các đơn vị xã hội của văn hóa Việt Nam, gia đình là đơn vị xã hội nhỏ nhất, có vai trò quan trọng trong quá trình nhập thân văn hóa của các cá thể, mỗi người gắn với một gia đình nhất định. Trong môi trường văn hóa, gia đình là một loại thành tố đặc biệt. Cha ông ta từng dạy: Nhà có tốt thì nước mới tốt. Nơi đây vừa bảo tồn văn hóa của các thế hệ tiền nhân, vừa là nơi trao truyền văn hóa cho từng cá thể, nơi kiểm tra, giám sát quá trình nhập thân văn hóa của các cá thể.
Chính thành tố gia đình sẽ góp phần đắc lực vào việc ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên, cán bộ có chức, có quyền. Hiện tại, đôi khi người ta nhấn mạnh vai trò của công sở, cơ quan, đơn vị… mà lãng quên vai trò của gia đình trong quá trình hình thành nhân cách văn hóa, các giá trị đạo đức, các quan niệm về ứng xử với từng cá thể. Phải làm sao xây dựng quan niệm về giá trị văn hóa ngay từ gia đình; mọi hành vi của từng cá thể ở ngoài xã hội, ở công sở đều được soi rọi trong lăng kính của văn hóa gia đình.
Thứ hai là, xây dựng các tiêu chí khác nhau, các nội dung khác nhau cho xây dựng môi trường văn hóa ở khu vực, không gian khác nhau. Không thể nói xây dựng môi trường văn hóa chung chung mãi. Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng trong lĩnh vực này: Tổ chức nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn trong từng đơn vị, từng không gian của môi trường văn hóa, tổ chức cho các cộng đồng thực hiện theo một sự quản lý chung, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm như phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa hiện nay. Đổi mới việc xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn và cách đánh giá hiện nay trong thực tiễn.
Thứ ba là, khơi dậy sức mạnh của cộng đồng, vai trò của cộng đồng trong việc xây dựng môi trường văn hóa, tránh áp đặt từ trên xuống, tránh đưa ra kế hoạch từ trên xuống và biến cộng đồng từ chỗ phải thực hiện công việc của chính cộng đồng thành người quan sát, hay là khách bên lề với công việc của chính cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.