Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng mô hình Tự quản xã hội ở cơ sở: Cần các đoàn thể tiếp sức

Lê Hoàn| 10/03/2010 07:28

(HNM) - Tự chăm lo nhu cầu rèn luyện sức khỏe, tự giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân, tự bàn biện pháp bảo vệ các công trình, cơ sở hạ tầng, bảo nhau giữ gìn vệ sinh môi trường, xóa đói giảm nghèo… Những đặc điểm của chế độ tự quản xã hội (TQXH) này đang được phổ biến ở khu dân cư. Tuy vậy, để chế độ TQXH ngày càng mở rộng và hoàn thiện, cần có vai trò của các đoàn thể nhân dân.

Tính ưu việt của tự quản xã hội

TP Hà Nội hiện có 577 xã, phường, thị trấn, hơn 5.000 khu dân cư (KDC). KDC là một tổ chức có tính tự quản của cộng đồng dân cư (không phải là một cấp hành chính), ở đó người dân tự quản lý các công việc của mình. Do vậy, nếu ban công tác mặt trận, các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò của tổ chức liên minh chính trị rộng rãi sẽ tạo được sức mạnh đoàn kết toàn dân, trên cơ sở lấy lợi ích chung của cộng đồng làm điểm chung, lấy việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân làm mục đích, đồng thời thúc đẩy dân chủ tự quản ở cơ sở.

Bảo vệ dân phố là lực lượng quản lý tốt việc tái diễn quảng cáo, rao vặt. Ảnh: Thái Hiền

Chế độ tự quản ở KDC đã giúp nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa ở KDC. Điều này được thể hiện rõ qua phong trào "Gọn nhà, sạch phố, đẹp Thủ đô", "Người Hà Nội quyết tẩy trừ tệ đổ rác ra đường, rác trên tường" và các phong trào khác do TP Hà Nội phát động. Từ tự phát chuyển thành tự giác, nhiều nơi, như tổ dân số 10, phường Việt Hưng (Long Biên); thôn Yên Phú, xã Liên Ninh (Thanh Trì); các thôn xã Đại Đồng (Thạch Thất) đã cùng nhau tổng vệ sinh, xóa chân rác, giữ gìn môi trường sạch, đẹp. 215 hộ dân ở KDC số 9, phường Thổ Quan (Đống Đa) đã tìm ra một "liều thuốc đặc trị" rác trên tường, đó là quảng cáo, rao vặt xuất hiện ở đâu, xóa ngay ở đó; tái quảng cáo - tiếp tục xóa.

Tự quản ở KDC còn góp phần giải quyết tình trạng tranh chấp, bất đồng trong cuộc sống và sinh hoạt cộng đồng. Ở phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng), khi sửa hè phố Nguyễn Thượng Hiền, cán bộ mặt trận, tổ dân phố và cộng đồng thường xuyên có mặt theo dõi, giám sát nên công trình đạt chất lượng cao. Các trường hợp vi phạm lấn đường, tự ý tôn cao mép đường, hoặc có xích mích giữa các gia đình đều được KDC xử lý dứt điểm. Tổ dân phố 51 phường Quỳnh Lôi (Hai Bà Trưng) tự bảo nhau vì lợi ích chung hy sinh lợi ích riêng để mở rộng tuyến đường nội bộ từ 2m thành 3,5m… Ở KDC số 8, phường Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng), để khắc phục tình trạng mất ANTT khu phố, chi hội cựu chiến binh đề xuất với chính quyền thành lập đội bảo vệ do các hội viên tình nguyện tham gia, không nhận tiền bồi dưỡng. Ngày đêm, đội phân công trực và tuần tra, qua một thời gian, sự bình yên đã trở lại với KDC này.

Phát huy vai trò các đoàn thể nhân dân

Khi nghiên cứu về xây dựng chế độ TQXH ở KDC hiện nay, Tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học dân vận, Ban Dân vận Trung ương) khẳng định, sự ổn định và phát triển của mỗi địa phương, cơ sở bắt nguồn từ sự ổn định và phát triển ở KDC. Nhưng hiện nay, một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến việc phát huy tính tự quản trong mỗi KDC. Một số nơi, trong xây dựng chế độ TQXH ở KDC, lại lựa chọn, bố trí nhân sự còn hạn chế về năng lực, trình độ… Bà Ngô Thị Ngọc Bích, Chủ tịch UB MTTQ quận Hai Bà Trưng nhận thấy, việc xác định địa bàn cơ sở hiện nay chưa nhất quán nên khi xây dựng cộng đồng dân cư tự quản, nhiều nơi không biết theo quy mô địa bàn phường, địa bàn tổ dân phố hay theo quy mô KDC. Bà Bích kiến nghị, cần xác định nhất quán quy mô địa bàn cơ sở.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng cho rằng, các đoàn thể nhân dân phải phát huy vai trò trong xây dựng chế độ tự quản thông qua những giải pháp: phân công đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia hoạt động tự quản trong KDC. Cấp ủy, chính quyền cấp xã cần quán triệt cho cán bộ, công chức nắm rõ vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của thôn, làng, tổ dân phố để cùng phối hợp, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ của KDC tốt hơn, tránh việc gì cũng giao cho KDC dẫn đến quá tải, không hoàn thành nhiệm vụ. Các cấp cũng cần thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ những người tham gia vận động quần chúng ở KDC. Mặt trận, các đoàn thể nên tổng kết, đánh giá tình hình, trao đổi kinh nghiệm… nhằm phát huy tinh thần tự quản của mỗi người dân, mỗi gia đình trong việc xây dựng cộng đồng dân cư đồng thuận, tiến bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng mô hình Tự quản xã hội ở cơ sở: Cần các đoàn thể tiếp sức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.