Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng Mê Kông thành dòng sông của đoàn kết và hội nhập

Theo VOVNEWS| 05/04/2010 16:10

Việt Nam cam kết sẽ phối hợp với các nước nhằm xây dựng sông Mê Kông không chỉ là dòng sông kết nối các nền văn hoá, dòng sông của tình đoàn kết và hữu nghị mà còn là dòng sông của hợp tác, phát triển và hội nhập.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mê Kông lần thứ nhất.


Ngày 5/4 tại Hua Hin, Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Myanmar tham dự phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mê Kông lần thứ nhất. Tham dự phiên họp còn có đại diện các đối tác phát triển của Ủy hội sông Mê Công và các tổ chức quốc tế. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam cam kết phối hợp với các nước chung sức xây dựng sông Mê Công không chỉ là dòng sông kết nối các nền văn hoá, dòng sông của tình đoàn kết và hữu nghị mà còn là dòng sông của hợp tác, phát triển và hội nhập.

Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế thành lập năm 1995 theo Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông giữa 4 nước: Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế lần thứ nhất diễn ra trong bối cảnh lưu vực sông Mê Kông đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là dòng sông này đang cạn kiệt ở mức báo động, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của hàng chục triệu người dân, đe dọa đến an ninh lương thực ở các quốc gia trong lưu vực, nhất là các quốc gia cuối nguồn, trong đó có vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Tại hội nghị, các nước thành viên và các đối tác cùng nhau kiểm điểm quá trình 15 năm hợp tác, đồng thời thảo luận và đề ra định hướng phát triển của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế trong lĩnh vực quản lý, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên khác trong lưu vực sông Mê Kông.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cao Hiệp định Mê Kông năm 1995 đã mở ra một chương mới trong hợp tác phát triển bền vững với những nguyên tắc cơ bản về sử dụng công bằng, hợp lý nước và tài nguyên nước trong lưu vực sông Mê Kông. Các hoạt động hợp tác hiệu quả trong Ủy hội đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện cuộc sống của hơn 60 triệu người dân cũng như tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các nước trong lưu vực sông Mê Công. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh sự hợp tác của các nước đối thoại nằm trong lưu vực là Trung Quốc và Myanmar, đồng thời đánh giá cao các đối tác quốc tế đã hỗ trợ cho Uỷ hội sông Mê Kông…

Sau khi phân tích những thách thức nếu không được giải quyết hợp lý có thể đe dọa tới cuộc sống của hàng chục triệu người dân trong lưu vực, Thủ tướng đề nghị Ủy hội sông Mê Kông tập trung đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; nghiên cứu xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu đối với toàn lưu vực sông Mê Kông, để đề ra kế hoạch hành động ứng phó chung; hoàn thiện các khung pháp lý và thiết lập cơ chế cụ thể để phối hợp thực hiện các bộ thủ tục về sử dụng nguồn nước và bảo đảm chất lượng nguồn nước; tăng cường năng lực về mọi mặt cho Ủy hội sông Mê Kông cả về đội ngũ cán bộ, tổ chức và cơ sở vật chất.

Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các đối tác phát triển để triển khai các hoạt động trên những lĩnh vực ưu tiên cũng như Chiến lược phát triển lưu vực 2011-2015 của Ủy hội sông Mê Kông; nâng tầm quan hệ hợp tác với các nước đối thoại là Trung Quốc và Myanmar, trước mắt tiến hành nghiên cứu chung, tăng cường trao đổi thông tin, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việt Nam đánh giá cao Trung Quốc mới đây đã cung cấp thêm số liệu thủy văn trong mùa khô để các nước trong lưu vực có thêm cơ sở đánh giá hiện trạng dòng chảy sông Mê Kông. Việt Nam chia sẻ mong muốn chung của các nước thành viên Ủy hội sông Mê Kông khuyến khích, kêu gọi các nước trong cùng lưu vực (Trung Quốc và Myanmar) xem xét tích cực sớm trở thành thành viên đầy đủ của Ủy hội để tất cả các nước ven sông Mê Kông cùng nhau hợp tác sử dụng bền vững và có trách nhiệm tài nguyên nước vì sự phồn vinh chung của khu vực.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Sông Mê Kông có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất lúa gạo và nhiều nông, thủy sản chính, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam và nhiều nước khác trong và ngoài khu vực. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động kép của hạn hán và xâm nhập mặn nặng nề nhất từ trước tới nay ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân và sản xuất nông nghiệp. Việt Nam là quốc gia ở cuối nguồn nên có thể thấy rõ những biến chuyển của sông Mê Kông do tác động của tự nhiên và con người.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam coi trọng hợp tác Mê Kông và luôn tham gia tích cực, chủ động và xây dựng trong các hoạt động của Ủy hội. Việt Nam cam kết sẽ phối hợp với các nước nhằm đạt được các tầm nhìn của lưu vực sông Mê Kông và của Uỷ hội, thực hiện đầy đủ Hiệp định Mê Kông, đóng góp xây dựng Uỷ hội và thúc đẩy hợp tác với các đối tác chiến lược, tiếp tục phát huy “tinh thần hợp tác Mê Kông” nhằm chung sức xây dựng sông Mê Kông không chỉ là dòng sông kết nối các nền văn hoá, dòng sông của tình đoàn kết và hữu nghị mà còn là dòng sông của hợp tác, phát triển và hội nhập.

Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Kông quốc tế lần thứ nhất đã ra Tuyên bố chung về tầm nhìn và những định hướng ưu tiên nhằm đáp ứng nhu cầu, bảo đảm cân bằng hướng tới phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông. Sắp tới Việt Nam sẽ chủ trì Hội nghị Bộ trưởng các nước Đông Á bàn về biến đổi khí hậu và Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam mong muốn cùng trao đổi với các đối tác về vấn đề phát triển bền vững sông Mê Công. Việt Nam cũng sẵn sàng đón tiếp lãnh đạo các quốc gia thành viên và đại diện các đối tác chiến lược tại Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mê Công quốc tế lần thứ hai tổ chức tại Việt Nam vào năm 2014./.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Mê Kông thành dòng sông của đoàn kết và hội nhập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.