(HNMO) - Sáng nay, 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhất trí đánh giá, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, tạo những chuyển biến góp phần đưa luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản kéo dài, vẫn còn những nội dung quy định chưa đầy đủ, chưa cụ thể hoặc không phù hợp với thực tế.
Nhiều đại biểu đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tăng cường phối hợp với Chính phủ và các cơ quan hữu quan; tăng cường giám sát, đôn đốc việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai theo đúng quy định pháp luật; cương quyết không đưa vào chương trình kỳ họp các dự án luật không bảo đảm điều kiện hoặc chưa thật cần thiết.
Các đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo khi xây dựng các dự án luật phải xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, có tính thực tiễn, không chạy theo số lượng, coi chất lượng các luật là ưu tiên hàng đầu. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội phải có trách nhiệm cùng Ban soạn thảo phân tích, tham mưu quyết định các chính sách mới có tính thực tiễn, kiến nghị sửa đổi hoặc dừng các văn bản trái pháp luật.
Việc ra nghị quyết về việc triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định định chi tiết được đa số đại biểu ủng hộ. Theo các đại biểu, nghị quyết này rất cần thiết để góp phần khắc phục các bất cập, hạn chế trong công tác này hiện nay. Nghị quyết cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, người đứng đầu cơ quan khi không thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình; quy định rõ thời hạn các cơ quan phải hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng và thời hạn định kỳ báo cáo hàng năm về việc triển khai công tác này.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy.
Chiều nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật đất đai (sửa đổi).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.