(HNMO) - Sáng 4-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, hằng năm có tới hàng nghìn vi phạm nhưng xử lý rất chậm, nhất là tại khu vực ven đô.
Về công tác quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, hiện nay, các khu vực đô thị có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, hình thành nhiều khu đô thị văn minh, hiện đại, hạ tầng giao thông cải thiện, làm thay đổi diện mạo đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc quản lý, phát triển đô thị còn có những tồn tại, hạn chế, như việc cải tạo chung cư cũ còn chậm, nhiều khu vực nhà cũ đã lâu không tu sửa, có nguy cơ mất an toàn, tỷ lệ cây xanh, công viên, vườn hoa, đất phúc lợi, đất công cộng còn thấp…
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ công tác quy hoạch, quản lý xây dựng chưa được thực hiện hiệu quả; tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra khá nhiều nhưng chưa được xử lý kịp thời. Chất lượng nhiều đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn thiếu tầm nhìn, chưa đáp ứng được yêu cầu, mật độ nhà cao tầng quá lớn gây quá tải cho hạ tầng đô thị. Có nhiều đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ, nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu, phải làm đi làm lại nhiều lần, gây mất rất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đô thị còn nhiều hạn chế, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt là các vi phạm về xây dựng trên đất nông nghiệp, đất lấn chiếm ở khu vực ven đô diễn ra khá nhiều nhưng chưa được xử lý kịp thời.
“Hằng năm, Bộ Xây dựng đều có tổng kết về vấn đề này, có tới hàng nghìn vi phạm nhưng chúng ta xử lý rất chậm. Việc xây dựng lấn chiếm ở các vùng ven đô rất lớn, nhưng để phát hiện và xử lý kịp thời thì quan trọng nhất là chính quyền cơ sở, nhưng khi thiết lập hồ sơ cưỡng chế, xử lý thì rất chậm”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Đối với Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội, Phó Thủ tướng cho biết, mặc dù tinh thần là ưu tiên quỹ đất sau khi di dời để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị nhưng việc thực hiện trên thực tế rất kém hiệu quả.
Phó Thủ tướng nêu rõ, để nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp. Trong đó, Bộ Xây dựng và các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở, để tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng; khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, quản lý phát triển đô thị để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã trả lời chất vấn của các đại biểu đã đặt câu hỏi từ chiều ngày 3-11. Trong đó, về thực hiện thí điểm phân cấp, ủy quyền phê duyệt quy hoạch đô thị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị thuộc thẩm quyền của Thủ tướng tại một số địa phương.
“Bộ Xây dựng đang khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, ngành nghiên cứu, thí điểm, đề xuất thí điểm hoặc phân cấp, ủy quyền thẩm định phê duyệt quy hoạch chung đô thị theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ sẽ tiếp tục báo cáo các cấp có thẩm quyền về vấn đề này để xem xét, quyết định”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói.
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 61 đại biểu đăng ký, 36 đại biểu đã chất vấn, 1 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Các đại biểu cũng đặt câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của một số bộ trưởng và một số vấn đề liên quan đến điều hành chung với Chính phủ. Hiện còn 25 đại biểu có câu hỏi, nhưng do điều kiện thời gian chưa được chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng để được trả lời bằng văn bản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.