(HNM) - Nghị quyết TƯ 8 về
Với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của cả nước, việc giữ vững ANCT trên địa bàn Thủ đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do đó, Đảng bộ TP Hà Nội đã tập trung lãnh đạo nhiệm vụ QP-AN, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), trọng điểm là đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với tăng cường QP-AN. Cấp ủy các cấp đã triển khai nhiều giải pháp, tăng cường giáo dục chính trị, siết chặt quản lý trên các lĩnh vực… giữ vững ANCT, TTATXH Thủ đô, tạo tiền đề thuận lợi phát triển kinh tế.
Chiến sỹ Đoàn B01 (Bộ Tư lệnh Thủ đô) luyện tập sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Bá Hoạt |
Giai đoạn trước hợp nhất, Hà Nội luôn duy trì nhịp độ tăng trưởng cao. Từ năm 2008 đến năm 2011, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 10%, gấp 1,5 lần mức tăng bình quân chung cả nước; năm 2012 là 8,1%. Văn hóa-xã hội có bước chuyển biến tiến bộ, đời sống của nhân dân được cải thiện. Thành phố đã giải quyết tốt các vấn đề bức xúc. Đặc biệt, Hà Nội đã thực hiện tốt phương châm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với củng cố và tăng cường QP-AN. Điều này được thể hiện rất rõ trong xây dựng quy hoạch phát triển KT-XH TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Chiến lược phát triển KT-XH thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có kết hợp chặt chẽ với các nội dung về quân sự, quốc phòng. Cùng với đó, thành phố đã triển khai nhiều công việc quan trọng như: Điều chỉnh quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020; Quy hoạch thế trận quân sự khu vực phòng thủ thành phố (2010-2015)… nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với QP-AN.
Xây dựng tiềm lực quốc phòng vững chắc
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô trong tình hình mới, Thành ủy Hà Nội đặc biệt chú trọng nhiệm vụ xây dựng tiềm lực quốc phòng, chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT địa phương. Trong 10 năm qua, thành phố đã đổi mới, đưa giáo dục quốc phòng vào chương trình chính khóa tại các trung tâm giáo dục bồi dưỡng chính trị địa phương và hệ thống trường học. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 1960/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc đào tạo thí điểm Chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn, từ năm 2003 đến tháng 3-2013, thành phố đã tổ chức 11 khóa đào tạo trung cấp quân sự cơ sở và trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở cho 1.220 đồng chí (đã hoàn thành 9 khóa với 924 học viên tốt nghiệp). Cán bộ sau khi tốt nghiệp cơ bản được bổ nhiệm, bố trí đúng chức danh chỉ huy trưởng, chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự (CHQS) cấp xã (đạt 97,8%). Quá trình công tác, có 129 đồng chí (chiếm 14%) được bổ nhiệm giữ chức danh cao hơn. Thực hiện đề án đào tạo cán bộ Ban CHQS xã, phường, thị trấn trình độ CĐ, ĐH ngành quân sự cơ sở đến năm 2020 và những năm tiếp theo, TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2015 có 100% cán bộ quân sự cấp xã có trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở; trong đó 41% đạt trình độ CĐ, ĐH chuyên ngành, đến năm 2020 là 80%, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở.
Hà Nội còn là địa phương đi đầu cả nước về thực hiện Luật Dân quân tự vệ. Tỷ lệ dân quân nòng cốt đạt 1,31% dân số; được biên chế theo hướng "tinh - gọn - mạnh". Hằng năm, 100% đơn vị dân quân tự vệ hoàn thành nội dung huấn luyện, gắn với công tác dân vận, tham gia phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo. Hà Nội cũng xây dựng lực lượng dự bị động viên đạt yêu cầu. Công tác huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ được chú trọng chỉ đạo, cơ chế hoạt động QP-AN được vận hành tốt. Mỗi năm có 25% xã, phường, thị trấn được tổ chức diễn tập chiến đấu trị an; 20% số quận, huyện, thị xã diễn tập phòng thủ. Ngoài ra, các hoạt động diễn tập phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn… được tổ chức thường xuyên, thể hiện rõ trách nhiệm chính trị của cán bộ chiến sỹ trước tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Thành ủy còn chú trọng bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Qua đó giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức đúng nhiệm vụ QP-AN, nâng cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở.
Bài học kinh nghiệm
Nhiều bài học được rút ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 8 (khóa IX) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới". Trước hết là công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Thành ủy và sự vận dụng sáng tạo của cấp ủy chính quyền các cấp. Điều đó được thể hiện rõ trong quá trình thực hiện Nghị quyết cũng như nhiệm vụ xây dựng LLVT Thủ đô vững mạnh và tinh nhuệ, đáp ứng yêu cầu. Thứ hai, các cấp, các ngành đã tiến hành đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo đúng quan điểm chỉ đạo của TƯ; đồng thời cụ thể hóa bằng các đề án, chương trình triển khai thực hiện có hiệu quả. Công tác tuyên truyền được coi trọng đã nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền sáng tạo, bám sát thực tiễn để dự báo tình hình, kịp thời đề ra các giải pháp xử lý. Do đó, ANCT ổn định, không để xảy ra các hoạt động phá hoại, khủng bố, bạo loạn… Chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT Thủ đô ngày càng được nâng lên, nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, khu vực phòng thủ Thủ đô được xây dựng ngày càng vững chắc đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô trong mọi tình huống…
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Đảng bộ TP Hà Nội tiếp tục thực hiện Nghị quyết TƯ 8 gắn với Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị "Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020". Việc triển khai Nghị quyết sẽ có nhiều thuận lợi khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Tuy nhiên, trước những dự báo và yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô cần vượt qua thách thức, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết TƯ 8. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là giữ vững sự ổn định chính trị và TTATXH, tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, năng lực quản lý điều hành của bộ máy chính quyền, thực hiện tốt Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, TP Hà Nội cần chú trọng phát triển KT-XH gắn với tăng cường sức mạnh QP-AN và xây dựng khu vực phòng thủ Thủ đô ngày càng vững chắc, phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.