Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng khu vực Mekong - Lan Thương hòa bình, ổn định và phát triển bền vững

TTXVN| 11/01/2018 07:00

(HNM) - Sáng 10-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam rời Hà Nội, lên đường sang thủ đô Phnompenh, Campuchia tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ hai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn tham dự Hội nghị Mekong - Lan Thương. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Chiều 10-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng đoàn Việt Nam và lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc đã dự MLC lần thứ hai. Với chủ đề “Dòng sông hòa bình và phát triển bền vững của chúng ta”, Hội nghị đã rà soát tình hình triển khai hợp tác kể từ MLC lần thứ nhất (tháng 3-2016) và thảo luận các phương hướng hợp tác thời gian tới. Hội nghị đánh giá, sau hai năm hoạt động, hợp tác Mekong - Lan Thương đã có những bước tiến quan trọng cả về xây dựng cơ chế hoạt động và triển khai dự án cụ thể, đạt được một số kết quả đáng chú ý như hoàn thành nhiều dự án thu hoạch sớm; thành lập các trung tâm hợp tác về môi trường, nguồn nước, và nghiên cứu Mekong; hình thành và vận hành Quỹ đặc biệt MLC.

Về hợp tác thời gian tới, các nhà lãnh đạo tái khẳng định mục tiêu xây dựng một khu vực Mekong - Lan Thương hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng; nhất trí MLC cần đóng góp tích cực hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên và hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự coi trọng và đóng góp của Việt Nam vào hợp tác MLC thời gian qua; nhấn mạnh các nguyên tắc, mục tiêu quan trọng mà hợp tác cần bảo đảm để có thể đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên, thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Về hợp tác 5 năm tới, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc chú trọng tăng cường hợp tác bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong, đưa hợp tác nguồn nước trở thành một trọng tâm hợp tác giữa 6 nước. Theo Thủ tướng, các ưu tiên trước mắt gồm tăng cường chia sẻ thông tin và số liệu khí tượng thủy văn; hợp tác ứng phó với hạn hán, lũ lụt; tiến hành các nghiên cứu khoa học chung và nghiên cứu xây dựng Quy chế vận hành liên hồ chứa nước dọc theo dòng chảy Lan Thương - Mekong.

Bên cạnh đó là phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở hoàn thiện và kết nối để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, dịch vụ, dòng vốn và đi lại của người dân; Hỗ trợ các nước Mekong - Lan Thương tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và công nghệ để thúc đẩy công nghiệp hóa tại các nước thành viên; phát triển lực lượng doanh nghiệp và đào tạo lao động có chất lượng... Các đề xuất và đóng góp của đoàn Việt Nam được các nước thành viên đánh giá cao và thể hiện trong các văn kiện của hội nghị.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Phnompenh và Kế hoạch hành động 5 năm MLC giai đoạn 2018-2022 với các định hướng lớn và các biện pháp triển khai hợp tác trên ba trụ cột an ninh - chính trị, kinh tế và phát triển bền vững, xã hội, văn hóa và giao lưu nhân dân. Các nhà lãnh đạo hoan nghênh danh sách 214 dự án MLC do các nước thành viên đề xuất và nhất trí từng bước mở rộng hợp tác sang các dự án lớn của tiểu vùng trên cơ sở tận dụng tối đa Quỹ đặc biệt MLC và các nguồn tài chính huy động từ chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức tài chính quốc tế.

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Campuchia đã chính thức chuyển giao vai trò đồng chủ trì hợp tác MLC cho Thủ tướng CHDCND Lào.

lCùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, làm việc với Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen. Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao việc Campuchia đăng cai MLC lần thứ hai, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Campuchia ở khu vực.

Hai Thủ tướng đã trao đổi ý kiến sâu rộng về những phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại, giao thông - vận tải, tài chính, ngân hàng... ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước. Hai bên nhất trí đẩy mạnh tiến độ phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, phấn đấu hoàn thành công tác này trong thời gian sớm nhất; nhất trí phối hợp giải quyết tích cực vấn đề địa vị pháp lý cho người Campuchia gốc Việt tại Campuchia trên cơ sở luật pháp Campuchia và tinh thần quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước.

lBên lề MLC tại Phnom Penh, Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulit. Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ tiếp tục đưa quan hệ chính trị hai nước đi vào chiều sâu; phối hợp triển khai các biện pháp cụ thể, quyết liệt, đồng bộ để thúc đẩy hợp tác kinh tế, tập trung các dự án đầu tư trọng điểm, kết nối kinh tế, giao thông, cơ sở hạ tầng... Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Chính phủ Lào ưu tiên đơn giản hóa thủ tục và giảm chi phí liên quan đến việc xin thị thực, giấy phép lao động và thẻ cư trú cho lao động Việt Nam; tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt ổn định làm ăn, sinh sống tại Lào, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại Lào.

lChiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư... Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức mời Thủ tướng Lý Khắc Cường thăm Việt Nam và dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) lần thứ sáu từ ngày 29 đến 31-3.

Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tuân thủ nhận thức chung cấp cao và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển; kiểm soát tốt bất đồng, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông; thúc đẩy đàm phán thực chất để xây dựng bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực và hiệu quả.

Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định, Trung Quốc sẽ kiên trì phương châm hữu nghị với Việt Nam, mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, bền vững. Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh sẽ tích cực tham gia cơ chế hợp tác GMS; cảm ơn lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và sẽ thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.

* Tối 10-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Thái Lan phát huy vai trò trong bảo đảm an ninh nguồn nước và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong; đề nghị Thái Lan tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Thái Lan...

Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Việt Nam đã rời Sân bay quốc tế Phnompenh, lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự MLC. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng khu vực Mekong - Lan Thương hòa bình, ổn định và phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.