(HNM) - Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước. Phóng viên Báo Hànộimới đã ghi lại những ý kiến tâm huyết, thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong việc triển khai, hiện thực hóa những mục tiêu chương trình đề ra.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn:
Hoàn thành kế hoạch triển khai thực hiện trong quý II-2021
Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược để phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đây chính là động lực phát triển mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế - xã hội Thủ đô.
Với vai trò là cơ quan thường trực Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ bám sát chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố và Ban Chỉ đạo chương trình để hoàn thành tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình trong quý II-2021. Song song đó, Sở Khoa học và Công nghệ cũng xây dựng các đề án, dự án, chuyên đề, chương trình công tác để cụ thể hóa việc thực hiện có trọng tâm, trọng điểm..., bảo đảm hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình, tạo nền tảng, có tính kế thừa cho việc tiếp tục triển khai ở những giai đoạn tiếp theo.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm:
Phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số
Bám sát Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền thành phố, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân.
Chương trình chuyển đổi số lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm; ưu tiên chuyển đổi số ở những ngành, lĩnh vực tạo thế và lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chương trình cũng nhằm thực hiện "mục tiêu kép", vừa phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực vươn ra toàn cầu.
Dự thảo xác định 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, gồm: Chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng và nền tảng số; thông tin và dữ liệu số; hoạt động chuyển đổi số; an toàn, an ninh mạng; đào tạo và phát triển nhân lực. Đồng thời, đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) chiếm khoảng 30%; tốc độ tăng năng suất lao động từ 7% đến 7,5%; hoàn thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố...
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao:
Phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học
Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện chương trình.
Để hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ chương trình đề ra, trong thời gian tới, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội sẽ bám sát chương trình, rà soát cụ thể từng nội dung, đặc biệt quan tâm đến các vấn đề, như: Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội đến năm 2030; Mạng lưới sáng kiến Hà Nội; Đề án kết nối, phát huy tiềm năng đội ngũ trí thức, các nhà khoa học của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô..., xây dựng và triển khai kế hoạch hành động nhằm tham gia thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chương trình.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng:
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp
Huyện Ứng Hòa xác định, việc ứng dụng khoa học, công nghệ sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng, giúp nông nghiệp giảm phụ thuộc vào thiên nhiên, dịch bệnh, từ đó tìm cơ hội phát triển. Do đó, khi Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đi vào cuộc sống, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Giai đoạn 2021-2025, huyện Ứng Hòa đặt mục tiêu, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 4,26%/năm; đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân tính trên 1ha đất nông nghiệp đạt từ 345 triệu đồng trở lên, có ít nhất 330 trang trại và đến năm 2030 có 500 trang trại… Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, huyện Ứng Hòa sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và quy trình quản lý sáng tạo trong nông nghiệp, công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, truy xuất nguồn gốc, logistics, chế biến các sản phẩm nông sản. Ngoài ra, huyện còn triển khai đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Ứng Hòa theo hướng hàng hóa công nghệ cao, bền vững giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”…
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh:
Nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện chuyên khoa hạng I của Thủ đô và là bệnh viện tuyến cuối chuyên ngành sản phụ khoa của cả nước. Hiện, bệnh viện đang tích cực thực hiện Đề án khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) giai đoạn 2020-2025, kết nối với 5 tỉnh ở phía Bắc và toàn bộ hệ thống sản khoa của Thủ đô, hỗ trợ hiệu quả hệ thống y tế tuyến dưới trong tư vấn, chăm sóc thai kỳ cho các sản phụ, nâng cao hiệu quả điều trị, hội chẩn ca bệnh cấp cứu.
Thời gian tới, cùng với việc nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh từ xa, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sẽ chủ động cùng với các bệnh viện khác của Hà Nội và ngành Y tế Thủ đô tích cực tham gia triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội trong lĩnh vực y tế. Cụ thể là, tăng cường nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong y học hiện đại để nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện sẽ không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ.
5 mục tiêu cụ thể của Chương trình số 07-CTr/TU
1. Xây dựng thành phố Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước. Tiến tới nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong nghiên cứu cơ bản về toán, vật lý và y học. Đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu (data science) và trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G và sau 5G. Phấn đấu dẫn đầu cả nước về công bố khoa học quốc tế; dẫn đầu cả nước về hình thành, phát triển tài sản trí tuệ; xây dựng và phát triển thương hiệu Hà Nội.
2. Là đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên nền tảng đổi mới công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, các công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ.
3. Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2030 và thuộc nhóm dẫn đầu ở châu Á vào năm 2045.
4. Trở thành trung tâm cung ứng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng trình độ quốc tế hàng đầu cả nước; là một trung tâm phần mềm hàng đầu châu Á.
5. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị thành phố; xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; tiếp tục xây dựng thành phố thông minh.
Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025
- Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trên 50% vào tăng trưởng GRDP;
- Tốc độ tăng năng suất lao động đạt 7-7,5%;
- Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp: Trên 70%;
- Tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP;
- Doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%;
- Tối thiểu 40% sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ;
- Phấn đấu dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế; tốc độ gia tăng đăng ký sáng chế thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
12 nhiệm vụ, đề án, dự án thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU
Ban hành kèm theo Chương trình số 07-CTr/TU là phụ lục gồm 12 nhiệm vụ, đề án, dự án tổ chức thực hiện được Thành ủy Hà Nội phân công cho các sở, ngành chủ trì phối hợp với các viện nghiên cứu, tập đoàn, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị...
- Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội đến năm 2030.
- “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội”...;
- Đề án xây dựng chính quyền số;
- Đề án xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
- Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội;
- Chương trình hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;
- Chương trình đổi mới sáng tạo về chuyển đổi số;
- Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số...;
- Chương trình đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp;
- Đề án đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố;
- Đề án kết nối, phát huy tiềm năng đội ngũ trí thức, các nhà khoa học của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô;
- Trung tâm Thiết kế sáng tạo sản phẩm làng nghề Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.