Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng gia đình văn hóa: Quan trọng là hiệu quả thực tế

Minh Ngọc| 25/12/2013 06:29

(HNM) - Tỷ lệ gia đình văn hóa (GĐVH) quá cao, có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền; tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) gia tăng, đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp, giá trị văn hóa gia đình truyền thống có nguy cơ mai một…


Nặng tính hình thức

Tại Hội nghị tuyên dương GĐVH tiêu biểu, xuất sắc toàn quốc lần thứ 2, diễn ra trong tuần qua, tại Hà Nội, Bộ VH,TT&DL khẳng định: Phong trào xây dựng GĐVH ngày càng phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, thu hút hơn 90% gia đình tham gia. Dựa trên hệ tiêu chí chung về xây dựng GĐVH như chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng…, các tỉnh, thành phố đã có những cách làm hay, sáng tạo nhằm nuôi dưỡng các "tế bào" của xã hội ngày càng khỏe mạnh, tiến bộ. Đến nay, cả nước có hơn 16,4 triệu gia đình (76%) đạt chuẩn danh hiệu GĐVH. Như vậy, tính trung bình, cứ 4 gia đình ở nước ta lại có 3 gia đình đạt danh hiệu GĐVH.

Giữ gìn các giá trị gia đình truyền thống - Nền tảng nuôi dưỡng những tế bào” của xã hội. Ảnh: Linh Ngọc



Số liệu nói trên không có gì đáng nói nếu danh hiệu đi liền với thực chất. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nếu danh hiệu GĐVH phản ánh đúng thực chất thì không có chuyện nghiên cứu quốc gia về BLGĐ đối với phụ nữ cho kết quả là tỷ lệ BLGĐ ở vùng Đông Nam bộ cao nhất cả nước: mức độ BLGĐ ở Đồng bằng sông Cửu Long tương đương với Đồng bằng sông Hồng trong khi số gia đình đạt chuẩn GĐVH ở vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đạt tỷ lệ gần như tuyệt đối và một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ đạt tỷ lệ rất thấp. Cụ thể, tỉnh Bến Tre, Đồng Nai có hơn 97% gia đình đạt chuẩn GĐVH, tỷ lệ ở Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Thơ là hơn 93%; trong khi đó, tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa… chỉ có hơn 50% đạt chuẩn GĐVH. Mặt khác, kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu gia đình và giới cho thấy, chỉ có 29,5% số người được hỏi biết rõ về tiêu chuẩn GĐVH, 55,2% "có nghe nói" nhưng không biết rõ và 15,2% không biết gì, việc bình bầu danh hiệu GĐVH ở nhiều nơi còn nặng tính hình thức...

So sánh những kết quả trên, có thể chắc chắn rằng, nếu bình xét danh hiệu GĐVH một cách chặt chẽ thì tỷ lệ gia GĐVH không thể cao như vậy.

Hướng đến sự thiết thực

Trò chuyện với một số đại diện GĐVH tiêu biểu được Bộ VH,TT&DT biểu dương, các gia đình đều cho biết họ xây dựng GĐVH vì những điều giản dị, tốt đẹp trong cuộc sống thường ngày chứ không vì thành tích. Bà Đỗ Thị Dung, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức (Hà Nội), chia sẻ: "Gia đình tôi hiện có 4 thế hệ chung sống. Khi chồng nóng thì vợ bớt lời, khi cha mẹ già ốm đau, bệnh tật thì con cháu quan tâm, động viên, chăm sóc, khi con cái gặp chuyện buồn hay có những lời nói, việc làm không vừa ý, thay vì mắng mỏ, chúng tôi giảng giải, phân tích cho con cháu nhận ra những điểm hạn chế của mình mà khắc phục. Để duy trì kinh tế gia đình, chúng tôi mở rộng sản xuất kinh doanh, lấy chữ tín làm trọng. Công việc làm ăn tốt, gia đình tôi thu hút ngày càng nhiều lao động, giải quyết công ăn việc làm cho họ. Bằng những việc làm đơn giản, chúng tôi thực sự tạo dựng được một gia đình hạnh phúc".

Với tinh thần vì cộng đồng, ông Lê Văn Ý, ấp Mỹ Sơn Đông, xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), dường như quên mình là thương binh. Bị cụt một chân, một tay, mù một mắt và bị nhiều vết thương khác trên cơ thể, ngày ngày ông vẫn lặn lội đến từng gia đình để vận động người dân cho con em đi học. Không chỉ thuyết phục bằng lời, ông Lê Văn Ý còn dùng số tiền thu được từ vườn dừa và tiền trợ cấp thương binh để hỗ trợ các cháu mua sách vở, bút viết, đóng học phí. Nhiều người được ông giúp đỡ đã đỗ đạt, thành tài. Hiện nay, ông Lê Văn Ý đang giúp đỡ 25 học sinh từ độ tuổi mẫu giáo đến lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn, giúp trẻ tiếp tục đến trường.

Gia đình bà Roda Nai Linh, tổ dân phố M'Lọn, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), là một trong những GĐVH tiêu biểu của vùng đất Tây Nguyên, được tôn vinh nhờ "quyết giữ đến cùng" ngôi nhà sàn cổ của cha ông. Bà Roda Nai Linh kể: "Nhà sàn ở Đơn Dương bị phá hết rồi, bản sắc dân tộc K'Ho mai một rồi. Tiếc lắm! Gia đình tôi cũng thích ở nhà to, nhà đẹp, nhưng vì nhận thức được giá trị văn hóa của ngôi nhà sàn do cha ông để lại nên quyết giữ nhà sàn cùng rất nhiều đồ dùng, vật dụng truyền thống của dân tộc K'Ho như cồng chiêng, trống, chóe, nồi đồng, cung tên, giáo mác... Sống trong nhà sàn, các thành viên trong gia đình dường như biết yêu quý nhau hơn, yêu quê hương, buôn làng hơn".

Từ những ví dụ cụ thể về GĐVH xuất sắc kể trên, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về tiêu chí, mục tiêu xây dựng GĐVH, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, bắt đầu từ những việc làm, hành động nhỏ mà thiết thực trong cuộc sống hằng ngày. Hãy giới thiệu gương sáng trong công tác xây dựng GĐVH ở địa phương, tiến hành bình xét danh hiệu GĐVH một cách nghiêm túc để phong trào đi vào thực chất, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng gia đình văn hóa: Quan trọng là hiệu quả thực tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.