(HNM) - Để phù hợp với tình hình thực tế, những năm gần đây, quận Hoàn Kiếm đã triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lồng ghép với chương trình xây dựng nếp sống văn minh đô thị, người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Nhiều mô hình văn hóa
Hằng ngày, từ lúc mở hàng cho đến khi đóng cửa, bà Nguyễn Thị Minh Anh, chủ cửa hàng kinh doanh bánh kẹo ở số 24 Nguyễn Siêu (phường Hàng Buồm) vừa nhanh tay nhận hàng, giao hàng, vừa tươi cười chào đón khách đến và lưu ý họ để xe đúng nơi quy định. Khách nào “tiện” để xe dưới lòng đường với lý do “mua hàng vài phút rồi đi ngay, không ảnh hưởng đến ai”, bà Nguyễn Thị Minh Anh nhẹ nhàng giải thích, việc bảo đảm hành lang an toàn giao thông, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là nét văn hóa kinh doanh trong khu vực phố cổ đã được các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện.
Hướng dẫn trẻ em bỏ rác vào thùng để giữ gìn vệ sinh đường phố. Ảnh: Anh Tuấn |
Tương tự như cửa hàng bánh kẹo số 24 Nguyễn Siêu, thái độ ứng xử của đa số người bán hàng với khách trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã có sự chuyển biến rõ rệt. Hiện tượng cãi vã, nói thách, chèo kéo khách ít khi xảy ra. Đặc biệt, nhiều hộ kinh doanh trên tuyến phố đi bộ: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Buồm, Mã Mây, Tạ Hiện, Đào Duy Từ, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy đã trang trí mặt tiền theo quy chuẩn, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Ông Bùi Xuân Hùng, Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm cho rằng, lối ứng xử văn hóa, văn minh trong kinh doanh ngày càng hình thành rõ nét ở khu phố cổ Hà Nội là nhờ quận Hoàn Kiếm quyết tâm xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong kinh doanh thương mại và tổ chức thực hiện quyết liệt, bền bỉ. Đây cũng là mô hình phù hợp với đặc thù của quận Hoàn Kiếm nên nhận được sự hưởng ứng của người dân.
Sự thay đổi dễ nhận thấy khác là công tác thu gom, xử lý rác thải trên các ngõ, phố ở quận Hoàn Kiếm từng bước đi vào nền nếp. Ngoài hệ thống thùng rác công cộng được bố trí ở những vị trí phù hợp, các hộ kinh doanh, hộ gia đình đã chủ động trang bị thùng rác, thu gom rác, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không để rác thải tồn đọng. Đến thời điểm này, 100% khu dân cư trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có tổ tự quản 02 giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Một số tổ dân phố xây dựng mô hình “Tổ dân phố không rác”, mang lại hiệu quả thiết thực. “Thu gom, xử lý rác thải, giữ gìn nhà sạch, phố đẹp là vấn đề rất khó giải quyết với địa bàn có mật độ dân cư đông, khách du lịch nhiều, cửa hàng bán đồ kinh doanh dày đặc như quận Hoàn Kiếm.
Để có tuyến phố Tràng Thi sáng - sạch - đẹp như hiện nay, tổ dân phố 12, phường Tràng Thi đã kiên trì tuyên truyền, vận động đến từng người dân, từng hộ gia đình nghiêm túc thực hiện mô hình “Tổ dân phố không rác” và yêu cầu các hộ ký cam kết không đổ rác, vứt rác bừa bãi. Mưa dầm thấm lâu, các hộ gia đình thấy việc giữ gìn vệ sinh môi trường mang lại lợi ích thiết thân cho họ, họ dần tự giác thực hiện”, bà Trần Bích Vân, Tổ trưởng tổ dân phố 12, phường Tràng Thi cho hay.
Ngoài ra, quận Hoàn Kiếm còn có mô hình “Số nhà đông hộ văn hóa”, “Khu tập thể văn hóa”… không giống các mô hình văn hóa chung, nhưng lại phù hợp với đặc điểm thực tế của địa phương. Thông qua những mô hình này, quận Hoàn Kiếm đã “chọn” được những công dân gương mẫu như bà Thẩm Bích Ngọc, Tổ trưởng tổ dân phố 32 (phường Hàng Buồm) năng nổ trong công tác tuyên truyền; ông Phạm Văn Đức, trú tại số nhà 39, phố Hàng Chiếu là tấm gương sáng về lối sống, nếp sống cho con cháu và bà con lối xóm noi theo; hay ông Hoàng Minh Ngọc (87 tuổi) trú tại số nhà 23, phố Tống Duy Tân (phường Hàng Bông) vào từng ngõ, gõ từng nhà nhắc nhở nhân dân chung tay xây dựng tuyến phố văn minh đô thị...
Siết chặt tiêu chí bình xét các danh hiệu văn hóa
Mục tiêu xuyên suốt quá trình thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH là nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Bởi thế, quận Hoàn Kiếm không chạy theo chỉ tiêu thành tích, mà chú trọng vào chất lượng, hiệu quả của phong trào. Với danh hiệu gia đình văn hóa, ngoài khung tiêu chí chung, quận không tổ chức bình xét danh hiệu đối với các gia đình không tham gia họp tổ dân phố, không tham gia tổng vệ sinh môi trường, không treo cờ Tổ quốc vào các ngày lễ, Tết. “Công tác bình xét được tiến hành dân chủ, công khai, khách quan nên tỷ lệ gia đình văn hóa tuy giảm nhưng chất lượng tăng lên vì các hộ gia đình được công nhận là các hộ xứng đáng”, ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho hay.
Với tổ dân phố văn hóa, quận Hoàn Kiếm chỉ xem xét công nhận danh hiệu đối với những tổ đăng ký xây dựng từ đầu năm. Trước khi đăng ký, các tổ phải tổ chức họp dân để thảo luận, lấy ý kiến công khai, đúng quy trình. Đều đặn hằng tháng, các tổ dân phố duy trì họp đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu, chỉ rõ những kết quả đã làm được và những vấn đề còn tồn tại, cần khắc phục ngay. Cuối năm bình xét, các tổ dân phố tiếp tục tổ chức họp công khai, kết quả bình xét được ghi lại bằng văn bản, làm căn cứ cho UBND các phường kiểm tra, báo cáo Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH quận xem xét công nhận. Tương tự, danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa cũng được quận bình xét khách quan, công khai.
Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT, thành viên Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH TP Hà Nội đánh giá: Phong trào TDĐK XDĐSVH ở quận Hoàn Kiếm ngày càng đi vào thực chất. Nếp sống thanh lịch, văn minh, lối ứng xử có văn hóa ngày càng rõ nét hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Mừng hơn, các mô hình văn hóa hình thành ở quận Hoàn Kiếm đã và đang được nhiều địa phương khác học tập, nhân rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.