Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng đề án phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng thực tiễn sáng tạo và quản lý

An Nhi| 09/12/2021 18:53

(HNMO) - Chiều 9-12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị lấy ý kiến và đưa ra các giải pháp quản lý nhà nước, phát triển văn học với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật cùng đại diện Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Hội Nhà văn Việt Nam; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương…

 Hội nghị nhận được nhiều ý kiến tâm huyết về vấn đề quản lý, phát triển văn học, nghệ thuật. Ảnh: Vũ Mừng

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trên cơ sở dự thảo đề án “Nâng cao năng lực về sáng tác và lý luận, phê bình văn học giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” được Bộ giao Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng từ năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch muốn mở rộng lấy ý kiến của các đại biểu để tìm ra giải pháp phát triển cả lĩnh vực văn học, nghệ thuật theo tinh thần chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá vai trò quản lý nhà nước hiện nay về văn học, nghệ thuật và khẳng định cần thiết xây dựng đề án phát triển văn học, nghệ thuật giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, việc phối hợp quản lý và thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cần chặt chẽ, hiệu quả, có chiến lược và phân công nhiệm vụ rõ ràng để hỗ trợ tốt nhất cho văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương nêu ý kiến, cần xây dựng đề án phát triển văn học, nghệ thuật khái quát, đầy đủ, đáp ứng yều cầu của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu của đời sống, thực tiễn sáng tạo và quản lý văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. 

Các đại biểu cũng góp ý cụ thể về việc xây dựng các nhóm giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật như cơ chế, chính sách; nguồn nhân lực; đầu tư sáng tác, công bố tác phẩm; đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ; đầu tư công tác lý luận, phê bình…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để từ đó xây dựng giải pháp, định hướng về quản lý văn học, nghệ thuật và xây dựng đề án phát triển văn học, nghệ thuật thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng đề án phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng thực tiễn sáng tạo và quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.