(HNM) - Ở góc độ nào đó, mạng xã hội là bức tranh phản ánh cuộc sống thường nhật với đầy đủ cung bậc cảm xúc và những điều tốt, xấu.
Việc hướng dẫn học sinh sử dụng mạng xã hội sẽ góp phần xây dựng cộng đồng mạng an toàn, văn minh. |
Muôn mặt đời sống
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, nước ta có khoảng 60 triệu người
sử dụng internet, trong đó có hơn 50 triệu người sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, Youtube…). Trung bình mỗi ngày, mỗi người dành khoảng 7 giờ dùng internet, trong đó có 2,5 giờ sử dụng mạng xã hội.
Đối với người sử dụng, ai cũng nhận thấy mặt tích cực do mạng xã hội mang lại. Chị Nguyễn Thị Hà, chủ cửa hàng bán vải tại ngõ 17, đường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: “Đại đa số khách hàng biết đến cửa hàng của tôi qua Facebook, Zalo. Vì thế, cửa hàng nằm sâu trong ngõ, tôi vẫn có khách hàng ổn định”. Ngoài ra, mạng xã hội còn mang đến nhiều lợi ích cho tập thể, cộng đồng.
Anh Phan Văn Hoàng, giáo viên dạy nghề lái xe ô tô, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải trung ương I cho hay: “Khi muốn tìm hiểu thông tin về hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tôi thường vào Facebook của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Thông qua nguồn tin đa chiều, tôi chủ động chọn lọc, tiếp thu kiến thức, kỹ năng mới để nâng cao chất lượng giảng dạy”.
Khai thác lợi thế của mạng xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã thiết lập ứng dụng “Chọn nghề, chọn trường” trên nền tảng thiết bị di động sử dụng phần mềm Android, iOS.
Ứng dụng này hỗ trợ học sinh, phụ huynh có thêm kênh thông tin tổng hợp, tìm hiểu về các ngành, nghề, trường nghề; đồng thời hỗ trợ kết nối người học với đơn vị đào tạo và thị trường lao động. Tương tự, Tổ chức Plan International Việt Nam đã ra mắt ứng dụng di động “Hành trình an toàn” nhằm hỗ trợ nhóm người di cư lên thành phố tìm kiếm nhà trọ, việc làm.
Tuy nhiên, do thông tin đưa lên mạng xã hội chưa được kiểm định, giám sát chặt chẽ, nên môi trường mạng cũng ẩn chứa khá nhiều rủi ro. Bằng chứng là, các cơ quan chức năng đã nhiều lần thông tin về những trường hợp dùng mạng xã hội để lừa đảo, tống tiền, dụ dỗ, bắt cóc trẻ em hoặc vu khống, nói xấu nhau. Mới đây, trên Facebook, Ban Thời sự VOV1 (Đài Tiếng nói Việt Nam) đã phát đi thông báo, đơn vị này không có phóng viên nào tên là Quang, cũng không thực hiện chương trình huy động nguồn lực hỗ trợ mổ tim miễn phí cho trẻ em.
Trong khi đó, nhiều năm nay, có người mạo nhận là Quang (phóng viên VOV1) vào Facebook kêu gọi: “Nếu ai biết gia đình nào có em bé mắc bệnh tim bẩm sinh, không có khả năng phẫu thuật, cần mổ miễn phí thì đăng ký với anh Quang, điện thoại…”. Tuy chưa có kết quả điều tra đây có phải là hành vi lừa đảo, trục lợi hay không, nhưng rõ ràng, người dùng mạng phải cẩn trọng.
Nỗ lực xây dựng cộng đồng mạng văn minh
Để mạng xã hội phát huy hiệu quả tích cực, bà Clair Deevy, Giám đốc Cộng đồng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Facebook kêu gọi: “Người sử dụng Facebook và các mạng xã hội khác cần cân nhắc, suy nghĩ kỹ trước khi đăng tải, chia sẻ hình ảnh, thông tin hay bình luận, kết bạn, trao đổi”.
Học sinh Trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) được hướng dẫn sử dụng mạng xã hội sao cho an toàn, hiệu quả. |
Với người sử dụng mạng xã hội là trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phản ánh, 85% trẻ em sử dụng internet ở nước ta do tự học hoặc học từ bạn bè, rất hiếm trường hợp được nhà trường, thầy, cô giáo hay bố, mẹ hướng dẫn. Do đó, ngoài việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, các bên liên quan cần chủ động giáo dục, trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo đảm an toàn trên môi trường mạng.
Trên thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị đã nỗ lực xây dựng cộng đồng mạng an toàn, văn minh, tích cực. Từ đầu năm 2018 đến nay, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững đã phối hợp với Facebook Việt Nam thực hiện chương trình giáo dục an toàn trên mạng - Think Before You Share (suy nghĩ trước khi chia sẻ).
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững, cho biết, Think Before You Share đang được triển khai tại 15 tỉnh, thành phố. Chương trình tổ chức đào tạo cho 30.000 thanh, thiếu niên từ 13 đến 25 tuổi, 1.500 giáo viên trở thành những “công dân số” điển hình, có khả năng định hướng, hướng dẫn giới trẻ sử dụng mạng xã hội.
Tại Hà Nội, nhiều trường học đã tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với internet và mạng xã hội đúng hướng. Chẳng hạn, Trường THCS Thực nghiệm áp dụng chương trình giáo dục trực tuyến DQWorld, góp phần thúc đẩy thanh, thiếu niên nâng cao kỹ năng trong thời đại số. Trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cho học sinh tham gia chương trình “Think Before You Share”.
“Được hướng dẫn sử dụng mạng xã hội, chúng em hiểu rằng, bản thân phải có trách nhiệm khi chia sẻ, bình luận thông tin. Đó cũng là cách giữ gìn an toàn cho bản thân, bạn bè và cộng đồng”, Nguyễn Văn Toàn, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Dịch Vọng bày tỏ.
Trong quá trình thực hiện các quy tắc ứng xử văn hóa, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đưa ra những chuẩn mực và quy định trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên khi tham gia mạng xã hội. Những nỗ lực này đã và đang góp phần xây dựng cộng đồng mạng an toàn, văn minh, tích cực và hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.