Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng cơ chế quản lý phải nhìn từ những bài học thực tế

Lan Hương| 12/11/2010 11:14

(HNMO) – Việc sau một thời gian dài, qua nhiều lần thanh kiểm tra mới phát hiện ra những sai phạm trong điều hành, quản lý kinh tế của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin, gây ra món nợ khổng lồ là bài học nhức nhối trong lỗ hổng cơ chế, giám sát các tập đoàn kinh tế nhà nước.


Thực tế đã diễn ra và để lại những hậu quả nặng nề, các nhà nghiên cứu hiện nay mới lại bàn về vấn đề quản trị DNNN và giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước.

Trong Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ thực hiện dự án “Đổi mới quản trị DNNN và giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước theo cam kết gia nhập WTO và thông lệ kinh tế thị trường”, làm cơ sở cho việc xây dựng Đề án “Đổi mới quản trị DN theo thông lệ kinh tế thị trường và cam kết gia nhập WTO” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ vào cuối năm 2010.

Dự án đã tiến hành điều tra về thực trạng quản trị DNNN và giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước để phát hiện những khoảng cách giữa thực tiễn quản trị DNNN với quy định pháp luật; đánh giá mức độ và phạm vi áp dụng thông lệ quốc tế về quản trị DNNN ở Việt Nam và những vấn đề của giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước, DNNN quy mô lớn.

Điều tra đã được thực hiện trên 400 DN, trong đó có 390 DN trả lời thông tin đầy đủ và có chất lượng để xử lý, phân tích, đánh giá.

Sáng 12/11, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ đã tổ chức Hội thảo thảo luận kết quả điều tra về quản trị DNNN, giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước và khuyến nghị chính sách.


Khung pháp luật quản trị DNNN còn thiếu


TS Trần Tiến Cường cho biết, qua kết quả điều tra, thời gian gần đây các DNNN đã chú ý tới cải thiện QTDN, mặc dù vậy vẫn chưa có sự thống nhất trong nhận thức về bản chất và vai trò của quản trị DN. Hiện không ít DNNN cho rằng quản trị doanh nghiệp chủ yếu liên quan đến quản lý điều hành của DN trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thuộc nội bộ DN (tài chính, nhân sự, tiền lương, sản xuất, thương mại..). Vì vậy, việc tăng cường tính công khai, minh bạch của DNNN cũng như việc bảo vệ lợi ích của các bên có liên quan chưa được quan tâm đúng mức.

Bên cạnh đó, khuôn khổ quản trị DNNN chủ yếu là các quy định pháp luật của Nhà nước, chưa có các bộ nguyên tắc hoặc thông lệ chung để điều chỉnh thực tiễn đa dạng của quản trị NN trong các lĩnh vực khác nhau. Pháp luật điều chỉnh quản trị DNNN cũng còn thiếu, nhất là sau khi DNNN chuyển thành công ty cổ phần, công ty TNHH theo Luật DN, đồng thời không có nhiều DN đánh giá tốt về hệ thống pháp luật xét trên khía cạnh bảo vệ nhà đầu tư, các chủ sở hữu…

Bên cạnh đó, nhận thức về nhà nước với tư cách là chủ sở hữu vẫn chiếm vị trí mờ nhạt so với nhận thức về nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước nói chung, chứng tỏ chủ sở hữu nhà nước chưa được xác lập rạch ròi như là một chủ sở hữu, một nhà đầu tư theo thông lệ quản trị… Trong khung khổ pháp luật hiện hành về quản trị DN, đa số ý kiến cho rằng DNNN có lợi thế hơn DN khác trong tiếp cận vốn nhà nước. Sự phân biệt này còn có cả ở quy định pháp luật và cả trong triển khai thực hiện trong thực tiễn…

Công tác giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước nhiều yếu kém, bất cập

Về vấn đề giám sát các tập đoàn kinh tế nhà nước, DNNN quy mô lớn, độc quyền, theo kết quả điều tra, công tác giám sát này có nhiều yếu kém, bất cập. Nguyên nhân do cả lỗ hổng pháp luật cũng như trách nhiệm thực thi của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan, trong đó, cơ bản là những bất cập của chế độ đại diện và ủy quyền. Để khắc phục gốc rễ của vấn đề giám sát và quản trị DNNN cần phải cải cách mạmh mẽ cơ chế ủy quyền của chủ sở hữu nhà nước.

Đa số ý kiến cũng cho rằng chủ sở hữu nhà nước không thực hiện việc giám sát, đánh giá việc bảo vệ quyền, lợi ích của nhà đầu tư ngoài nhà nước tại DN; năng lực DN kinh doanh ngoài ngành nghề chính và giám sát các rủi ro; các giao dịch kinh doanh (hợp đồng, dự án, mua bán…) với những người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên), Chủ tịch công ty, Ban giám đốc; việc thành lập công ty con, công ty cháu; tình hình hoạt động đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán của DN; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh; tình trạng DN bị coi là độc quyền trong kinh doanh…

Mặc dù số ít các DN mà chủ sở hữu có thực hiện giám sát đánh giá cho rằng hoạt động giám sát có hiệu quả, nhưng thực tế đáng chú ý là đối với nhiều nội dung quan trọng thì chỉ có thiểu số DN cho rằng nhà nước có thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá. Hơn nữa, các DN được điều tra cho rằng việc giám sát đầu tư vào các công ty con, giám sát hoạt động độc quyền, thống lĩnh thị trường và giám sát việc bảo vệ các cổ đông nhỏ là chưa có hiệu lực và hiệu quả. Đó là nguyên nhân của tình trạng đầu tư dàn trải trong các tập đoàn kinh tế nhà nước thời gian qua.

Cần tăng cường quản trị DN, giám sát hiệu quả các tập đoàn kinh tế

Từ kết quả điều tra trên, các nhà nghiên cứu đã khuyến nghị nhà nước, các DN cần tăng cường nhận thức về quản trị DN và thực hiện yêu cầu cải thiện quản trị DN trong đổi mới, cải cách DNNN; Minh bạch hóa thông tin và hoạt động của DNNN; Minh bạch hóa hoạt động đầu tư kinh doanh của chủ sở hữu nhà nước; Nâng cao tính chuyên nghiệp của chủ sở hữu nhà nước; Giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, DNNN quy mô lớn và độc quyền; Hoàn thiện khung khổ quản trị DN và quản trị DNNN; cải thiện quản trị DNNN là công ty TNHH một thành viên; Cải thiện quản trị DNNN cổ phần hóa.

Riêng về vấn đề giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, DNNN quy mô lớn và độc quyền, các chuyên gia khuyến nghị cần xác dịnh rõ nội dung giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước; Xác định rõ chủ thể giám sát và quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể giám sát; Xác định các căn cứ để giám sát và đánh giá đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, DNNN quy mô lớn và độc quyền…

Có thể thấy, thực hiện được việc đổi mới quản trị DNNN và giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước theo cam kết gia nhập WTO và thông lệ kinh tế thị trường một cách hiệu quả, là vấn đề rất lớn và khó, nhưng nếu làm được, nước ta sẽ bớt đi những vụ việc như Vinashin.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ chế quản lý phải nhìn từ những bài học thực tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.