(HNM) - Chiều 14-4, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU, ngày 4-11-2011 về
Bí thư, Phó Bí thư cũng "tự quản" mình
"Đối với mỗi con người, tham nhũng thách thức ý thức tự giác và ý thức đạo đức. Nếu không tự giác, con người không thể tránh được những hành vi tham nhũng. Chẳng hạn, nếu ai cũng trật tự xếp hàng, nghiêm túc chờ đợi đến lượt mình thì sẽ không có tham nhũng. Nhưng một, hai người không chịu xếp hàng, muốn tìm cách "đi tắt, làm trước" thì chắc chắn sẽ nảy sinh tham nhũng. Do đó, để có ý thức tự giác PCTN, đòi hỏi mỗi người phải kiên định, đấu tranh quyết liệt với bản thân. Để chống tham nhũng cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hợp tác của mỗi người". - Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhận định, tham nhũng như là thuộc tính phát sinh của quyền lực nhà nước, chừng nào còn quyền lực nhà nước chừng đó còn có tham nhũng. Vấn đề là phải tìm cách kiểm soát, chế ngự tham nhũng ở mức thấp nhất có thể. Coi PCTN, lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, ngay sau Đại hội XV Đảng bộ thành phố, Thành ủy đã lập tức ban hành Chương trình 09-CTr/TU. Điều đó cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng bộ thành phố với nhiệm vụ cấp bách này. Trên cơ sở Chương trình, cấp ủy các cấp đã nghiêm túc triển khai thực hiện, xây dựng chương trình, kế hoạch với phương châm "chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời, ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm minh" các hành vi tham nhũng, lãng phí. "Sở dĩ lựa chọn phương châm như vậy vì chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời để ngăn chặn hành vi tham nhũng là tốt nhất. Để đến mức phải xử lý thì vừa mất của lại vừa mất người" - Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phân tích.
Thực hiện Chương trình 09-CTr/TU đã giúp thành phố ngăn chặn và bước đầu đẩy lùi được tham nhũng, củng cố niềm tin trong nhân dân. "Sáng nay (ngày 14-4 - PV), Thành ủy tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cán bộ lão thành cách mạng, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và cán bộ nguyên lãnh đạo chủ chốt thành phố qua các thời kỳ vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ thành phố. Tôi nghe các ý kiến ghi nhận: Trong bối cảnh phức tạp, nhưng thành phố đã không để xảy ra những vụ việc lớn. Đó là một thành công cho dù những vụ việc nhỏ như sách nhiễu, gây khó dễ, chạy chức, chạy quyền ở nơi này nơi kia vẫn còn"- Bí thư Thành ủy cho biết. Điểm nổi bật là các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đã thực hiện Chương trình 09 gắn với thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 09 cũng khẳng định, với phương châm chủ động phòng ngừa, thành phố đã thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh nhằm cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, tích cực thực hiện công khai minh bạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát... Về công tác cán bộ, thành phố đã có những tiến bộ lớn, nhất là siết chặt thi tuyển công chức; không để xảy ra hiện tượng chạy chức, chạy quyền công khai, lộ liễu.
Theo Bí thư Thành ủy, tham nhũng đã nguy hại, nhưng so sánh một cách tương đối, hậu quả của lãng phí đôi khi còn lớn hơn. Chính vì vậy, thực hiện Chương trình 09-CTr/TU, các cấp, ngành thành phố đã thực hiện nghiêm các yêu cầu, chỉ thị về tiết kiệm chi tiêu công, chống lãng phí. Lãnh đạo thành phố cũng nêu cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm làm gương trong việc này. "Trong gần 10 năm qua gần như thành phố không mua sắm ô tô mới, gần như không xây dựng trụ sở mới, đi nước ngoài cũng rất ít. Ngay cả Bí thư, Phó Bí thư cũng tự quản mình. Chúng tôi thật sự nghiêm túc, rất ít đi nước ngoài; có đi thì cũng rất hạn chế số người, số ngày. Vì nếu mình không nghiêm, rất khó nói được cấp dưới" - Bí thư Thành ủy cho hay.
Trong nhiệm kỳ 2011-2015, UBKT các cấp trong Đảng bộ Thành phố đã kiểm tra 1.063 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, có 454 trường hợp là cấp ủy viên các cấp; kiểm tra 278 tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm, kết luận 163 tổ chức đảng có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 24 tổ chức đảng. Cấp ủy và UBKT các cấp đã giám sát được 22.841 lượt đảng viên; thi hành kỷ luật 2.972 đảng viên, trong đó có 821 trường hợp là cấp ủy viên các cấp. Trong đó khiển trách 1.755 người, cảnh cáo 779 người, cách chức 99 người, khai trừ 339 người; có 126 đảng viên bị xử lý hành chính, 256 đảng viên bị truy tố trước pháp luật (230 người bị phạt tù). Thành phố đã giải quyết được 5.775/6.505 vụ khiếu nại, tố cáo (đạt tỷ lệ 89%). |
Kiềm chế được tham nhũng là nỗ lực rất lớn
Chỉ đạo về nhiệm vụ PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy lưu ý cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia PCTN, lãng phí. Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền phải tiếp tục chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt việc công khai minh bạch các cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội, nhất là các cơ chế chính sách trong quản lý đầu tư, ngân sách, đất đai, xây dựng, công tác cán bộ... Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng yêu cầu các cấp phải thực hiện tốt Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản", Kế hoạch 115 của Ban Thường vụ Thành ủy, từ đó đưa công tác kê khai tài sản thực chất hơn, trở thành một trong các giải pháp quan trọng về PCTN. "Cần phải xây dựng cho được cơ chế khuyến khích nhân dân tham gia tố giác tội phạm về tham nhũng; có chính sách khen thưởng phù hợp và bảo vệ người tố cao tham nhũng" - Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị chỉ đạo. Các cấp, ngành phải đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử; coi trọng công tác thanh tra công vụ hằng năm, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính; nâng cao trách nhiệm, hạn chế tình trạng cán bộ, công chức vòi vĩnh, sách nhiễu, tiêu cực.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Nội chính TƯ Phạm Tuấn Anh đánh giá cao việc Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình 09-CTr/TU và triển khai, tổ chức thực hiện một cách bài bản, đem lại hiệu quả thiết thực. "Qua theo dõi các tỉnh, thành ủy trên cả nước về công tác PCTN, lãng phí, chúng tôi thấy có nơi sát sao, nhưng cũng có nơi lãnh đạo, chỉ đạo không đến nơi đến chốn. Nhưng, ở Hà Nội các đồng chí kiềm chế được tình hình tham nhũng ở mức độ như hiện nay là nỗ lực rất lớn" - Phó Trưởng ban Nội chính TƯ nhận định. Tuy nhiên, đồng chí Phạm Tuấn Anh khẳng định, tham nhũng là vấn đề bức xúc nhất và tác động đến niềm tin của nhân dân. Nguy hiểm hơn là tham nhũng có tổ chức, có biểu hiện lợi ích nhóm ngày càng rõ; thiệt hại do tham nhũng ngày càng lớn và các vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng. "Chúng ta bình tĩnh, nhưng không thể bàng quan trước thực trạng này" - Phó Trưởng ban Nội chính TƯ nhấn mạnh. Đồng chí cũng đồng tình và đánh giá cao 7 nhóm giải pháp của Thành ủy Hà Nội về tiếp tục thực hiện PCTN, thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2015-2020.
Hà Nội đã tiết kiệm trên 4.300 tỷ đồng Ngoài các giải pháp gián tiếp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí, thực hiện Chương trình 09-CTr/TU, các cơ quan thành phố đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của TƯ về PCTN, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình 09-CTr/TU, trong giai đoạn 2011-2014, thành phố đã tiết kiệm được hơn 4.366 tỷ đồng gồm: 3.517 tỷ đồng tiết kiệm theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; 849 tỷ đồng tiết kiệm thông qua thẩm tra, phê duyệt dự toán ngân sách Nhà nước. Riêng tiết kiệm nhờ tạm dừng mua sắm, sửa chữa tài sản cố định đã bố trí trong dự toán của thành phố trong giai đoạn này là hơn 88 tỷ đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.