(HNM) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, vừa qua UBND TP Hà Nội đã làm việc với UBND quận Hoàn Kiếm và các sở, ngành liên quan, bàn về dự án di dời, giãn bớt mật độ dân số phố cổ nhằm bảo tồn giá trị không gian phố cổ và nâng cao điều kiện sống của người dân.
Không gian sống ở khu phố cổ ngày càng thu hẹp. Ảnh: Linh Tâm |
Những hộ nào sẽ di dời trước?
Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Vũ Văn Viện, mật độ dân số lớn tại khu phố cổ đã gia tăng áp lực lên công tác quản lý, giữ gìn, bảo tồn giá trị không gian phố cổ Hà Nội. Đồng thời, nhiều hộ dân không bảo đảm diện tích sống tối thiểu, nhà cửa chật hẹp, xuống cấp. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là đối với nhiều hộ dân, phố cổ là nơi mưu sinh, mang lại thu nhập cho cả gia đình. Vì vậy, đơn vị tư vấn đề xuất nhóm di dời trước hết là các hộ nằm trong di tích, công sở, trường học; các biển số nhà có đông hộ sinh sống.
Kết quả điều tra xã hội học trong năm 2008-2009 cho thấy, có khoảng 170 hộ dân sống trong các di tích, công sở; hầu hết đều là nhà tạm, không đủ tiêu chuẩn về diện tích tối thiểu trên số người sinh sống. Mặt khác, do là nhà tạm, không được cải tạo, sửa chữa nên nhiều nhà xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài ra, có khoảng 1.600 hộ khác tự nguyện di dời đến nơi ở mới. Địa điểm được quy hoạch xây dựng nhà ở định cư cho các hộ dân phố cổ nằm trong KĐTM Việt Hưng (quận Long Biên). Đây là KĐT đã được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh. Phần đất dành giãn dân phố cổ có diện tích 11,12ha, nằm trong tổng thể chung của KĐT có diện tích hơn 130ha.
Căn cứ trên kết quả điều tra xã hội học, đơn vị tư vấn đề nghị chủ trương xây dựng chung cư cao tầng, có cơ cấu diện tích gồm 20% căn hộ 60m2, 50% căn hộ 60-80m2 và 30% căn hộ diện tích 100m2 trở lên. Tư vấn cũng đề nghị TP cho áp dụng cơ chế đặc thù trong bồi thường, hỗ trợ cho khoảng 200 hộ dân, vì những hộ này đang sống trong diện tích tạm bợ, nếu áp dụng chính sách hiện hành về giải phóng mặt bằng thì không đủ điều kiện tạo lập chỗ ở mới. Ngoài ra, đối với những hộ đang bám vỉa hè mưu sinh, tư vấn đề nghị áp dụng chính sách cho vay ưu đãi hỗ trợ ổn định cuộc sống; đồng thời dành khoảng 35% diện tích sàn xây dựng (chủ yếu tầng một, mặt đường) để bố trí cho các hộ kinh doanh. Về cơ chế bán nhà định cư, tư vấn đề nghị áp dụng hình thức bán một lần, bán trả góp lãi suất thấp và cho thuê. Giá bán nhà, giá thuê nhà do TP phê duyệt bao gồm chi phí đầu tư và có lãi. Mỗi hộ được mua một căn hộ. Nếu không mua nhà, hộ dân được bố trí thuê nhà, tiêu chuẩn mỗi hộ/căn.
Mục tiêu cuối cùng là nâng cao điều kiện sống
Một trong những băn khoăn của các hộ dân phố cổ khi thực hiện chủ trương di dời là phần nhà ở của họ tại phố cổ sẽ được sử dụng như thế nào? Có được chuyển nhượng không? Chuyển nhượng cho đối tượng nào? Theo ông Vũ Văn Viện, nếu không giải đáp rõ những câu hỏi trên sẽ rất khó thuyết phục các hộ di dời, dễ rơi vào tình trạng hộ này đi, hộ khác đến, mật độ dân số phố cổ không được cải thiện như mục tiêu đề án đưa ra.
Về vấn đề này, đơn vị tư vấn đề nghị cho phép chuyển nhượng nhưng phải qua sàn giao dịch do chính quyền quận kiểm soát. Đồng thời, bố trí vốn cho các công ty quản lý nhà mua lại để chỉnh trang, tôn tạo. Tuy nhiên, đại diện một số sở, ngành không đồng tình với việc cho phép chuyển nhượng tự do mà đề nghị chỉ khuyến khích các hộ cùng số nhà chuyển nhượng cho nhau để tăng diện tích ở. Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lã Thị Kim Ngân cho rằng, nên bố trí thêm nhiều điểm định cư khác ngoài KĐTM Việt Hưng để người dân có nhiều sự lựa chọn. Đồng thời, cần lưu ý thêm dạng nhà nguy hiểm để di dời sớm. Phần diện tích sau khi di dời, đề nghị nghiên cứu phục vụ cho hoạt động cộng đồng. Còn nơi ở mới nhất thiết phải có tiện ích công cộng như vườn hoa, sân chơi trong nhóm nhà ở chứ không thể dành hết diện tích làm nhà.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Khắc Thọ cũng đề nghị, không nhất thiết đưa hết các hộ dân phố cổ về một nơi, vì như vậy buộc phải điều chỉnh quy hoạch để có đủ số căn hộ định cư. "Hầu hết các KĐTM đều đã điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, nếu điều chỉnh tiếp sẽ chất thêm tải lên hạ tầng", ông Thọ nói "Ngoài ra, đề án giao các công ty quản lý nhà thu mua rồi tiến hành chỉnh trang cũng cần được làm rõ sử dụng như thế nào? Cho đối tượng nào? Có như thế người dân mới tin tưởng vào chính sách của TP".
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, mục tiêu cao nhất là cải thiện điều kiện sống của người dân, vì vậy nên áp dụng quy định, tiêu chuẩn diện tích ở bình quân, từ đó có cơ chế quản lý, không làm tăng dân số sau khi giãn dân. Ông Khôi yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm và đơn vị tư vấn tiếp tục phân tích làm rõ hiện trạng quá tải và mục tiêu mật độ dân số sau khi giãn dân. Đồng thời, từ nguyện vọng của người dân, xây dựng cơ chế, chính sách; xác định cơ cấu, quy mô đầu tư nhà ở định cư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.