Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng chính quyền “trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân”

Vân An| 27/12/2016 12:05

(HNMO) - Sáng 27/12, Thường trực Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến Quý IV/2016 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và sở, ban, ngành Thành phố.


Chủ trì Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Viết Thành


Nội dung giao ban tập trung vào nội dung triển khai Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 16/12/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả thực hiện cải cách hành chính năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017, trong đó tập trung vào việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Thành phố và kết quả triển khai ứng dụng công nghệ thông tin năm 2016, nhiệm vụ năm 2017.

Đây là các vấn đề thuộc 2 nhóm nhiệm vụ được lãnh đạo Thành phố Hà Nội hết sức quan tâm chỉ đạo nhằm tạo chuyển biến rõ nét hơn trong nỗ lực xây dựng chính quyền Thành phố ngày càng “gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân”.

Tăng cường đối thoại, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân

Thảo luận về kết quả và kinh nghiệm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU của Thành ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Thành phố Hà Nội", đại diện lãnh đạo các quận, huyện cho biết, năm 2016 công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố; sự tích cực vào cuộc cùng giải quyết của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng đã đạt hiệu quả đáng khích lệ, đã giải quyết 2.818 vụ/3.178 vụ khiếu nại, tố cáo, đạt tỷ lệ 88,7%; nhiều vụ việc phức tạp, đông người liên quan đến công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao đất dịch vụ, đất giãn dân, công tác dồn điền, đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,... được tập trung giải quyết dứt điểm theo đúng quy trình, với cách giải quyết có lý, có tình, tạo thống nhất cao trong nhân dân.

Tuy nhiên, đơn thư khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương vẫn có chiều hướng gia tăng với những tình tiết phức tạp hơn, ngoài những nguyên nhân khách quan về cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, thống nhất, nhiều văn bản có sự chồng chéo, nhận thức về pháp luật của một số người dân hạn chế..., còn có nguyên nhân chủ quan do công tác tiếp công dân chưa đáp ứng được yêu cầu; việc giải quyết khiếu nại của một số đơn vị còn chậm so với quy định, chất lượng chưa cao, đội ngũ thanh tra giải quyết khiếu kiện còn yếu, thiếu... 


Theo lãnh đạo các quận, huyện, để khắc phục những hạn chế này, các địa phương cần tiếp tục bám sát các chỉ thị, nghị quyết và các quy định pháp luật khác về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; sử dụng tốt ứng dụng CNTT trong tiếp dân; đảm bảo giải quyết đơn thư đúng trình tự, thời gian quy định, tập trung vào những vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, bảo đảm công khai, đúng pháp luật, hạn chế thấp nhất công dân khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Tăng cường đôn đốc việc thực hiện tiếp công dân, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân; quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết đơn thư; kiện toàn, chấn chỉnh công tác tiếp dân; tăng cường thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ, lãnh đạo, tập trung vào những nơi có khiếu nại tố cáo kéo dài, đông người; tăng cường quản lý nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, tài chính; hòa giải tốt mâu thuẫn nội bộ ngay từ cơ sở...

Là một địa phương đi đầu trong công tác đối thoại với dân để giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn chia sẻ, kinh nghiệm qua thực tiễn cho thấy, để giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo của dân, địa phương cần quan tâm tới vai trò người đứng đầu, chủ động giải quyết vụ việc từ cơ sở, lãnh đạo phải đặt địa vị mình vào người dân để giải quyết từng vụ việc một cách có lí, có tình, triệt để; định kỳ lãnh đạo huyện nghe các cơ quan, xã báo cáo về giải quyết đơn thư, giao ban hàng quý. 

"Năm tới, chúng tôi sẽ mời bí thư, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong huyện để phát sinh khiếu nại, tố cáo trực tiếp tiếp công dân cùng bí thư, chủ tịch huyện. Đồng thời, phát động phong trào 3 sạch: đội ngũ cán bộ liêm khiết, môi trường sạch, nền nông nghiệp sạch", đồng chí Tuấn cho biết.

Theo Chánh thanh tra Thành phố Nguyễn Văn Tuấn Dũng, những năm qua, Thanh tra Thành phố luôn xác định giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm. Bằng sự kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đã có chuyển biến tích cực, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Từ năm 2012 đến nay, Thành phố đã thụ lý hơn 10.000 vụ, tỷ lệ giải quyết trung bình hàng năm đạt 86%, chất lượng giải quyết được nâng cao, tỷ lệ công dân rút đơn khiếu nại tăng...

"Nhờ nhận thức đúng tầm quan trọng của giải quyết khiếu nại, tố cáo, quyết tâm cao trong hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thành phố đã có chuyển biến tích cực, chất lượng giải quyết được tăng cường. Trong quá trình xử lý vụ việc, Thành phố luôn coi trọng 2 yếu tố: phòng ngừa phát sinh và khi phát sinh phải giải quyết kịp thời, xử lí triệt để các vi phạm qua giải quyết khiếu nại, tố cáo; thường xuyên rà soát các vụ tồn đọng, kéo dài để giải quyết dứt điểm, gắn với chỉ đạo chung của TP về năm kỷ cương hành chính", đồng chí Dũng cho biết. 

Lãnh đạo các địa phương cũng đề xuất, thanh tra Thành phố tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ này; tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; có quy định chế tài xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Khép lại phiên thảo luận, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, những kinh nghiệm của địa phương trong giải quyết khiếu nại, tố cáo là rất quý. Các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục lấy hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ. Các địa phương cần tăng cường đối thoại với dân, nhất là người đứng đầu. Sau tiếp dân, các địa phương nên có thông báo kết quả với dân và lần tiếp công dân tới tiếp tục có hồi âm trở lại thì việc giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Đồng thời, các địa phương cần giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo theo đúng thẩm quyền, quy trình, giải quyết dứt điểm từng vụ việc, trong đó phân rõ người thực hiện, rõ trách nhiệm, rõ việc; phối hợp sức mạnh và phát huy vai trò của MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là thanh tra nhân dân để giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đúng quy định pháp luật, góp phần ổn định tình hình.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng tin tưởng, với quyết tâm cao, triển khai đồng bộ các giải pháp, thời gian tới, các cấp, ngành, đơn vị của Thành phố sẽ giải quyết tốt hơn các khiếu nại, tố cáo của công dân, gắn với các nhiệm vụ của Năm kỷ cương hành chính 2017, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KTXH của Thủ đô.

Đầu năm 2017: Hà Nội sẽ có bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ

Với tinh thần quyết liệt và quyết tâm đổi mới, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành phố đã triển khai bài bản, đồng bộ, có hiệu quả hàng loạt các giải pháp mang tính đột phá như: thực hiện phân công nhiệm vụ theo hướng 5 rõ“rõ người, rõ việc, rõ hiệu quả, rõ quy trình, rõ trách nhiệm”, “Một việc – một đầu mối xuyên suốt”. Năm 2016, công tác cải cách hành chính của Thành phố tiếp tục đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký thành lập doanh nghiệp, cấp chứng nhận đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xúc tiến thương mại,... Nổi bật là nhiều thủ tục hành chính được rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện: thời gian nộp thuế rút còn 117 giờ/năm (chỉ tiêu là 121,5 giờ/năm); cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà trên địa bàn Thành phố giảm từ 52 ngày xuống còn 20 ngày và rút gọn thành phần hồ sơ từ 9 loại xuống còn 4 loại; thí điểm liên thông cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh, rút ngắn thời gian từ 30%-60%, giảm 50% số lần đi lại; Môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể, năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 19%, cao nhất từ trước tới nay (22,9 nghìn doanh nghiệp); thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài đạt kết quả tích cực...

Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được rà soát, sắp xếp theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Kỷ luật, kỷ cương công vụ được tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm trong thực thi chức trách nhiệm vụ được phân công, trong giao tiếp với công dân, góp phần tạo dư luận tốt, củng cố niềm tin của nhân dân.

Qua một năm nỗ lực triển khai, tất cả các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin của Thành phố đều vượt so với yêu cầu Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Chương trình quốc gia ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020. Việc kết nối thành công hệ thống phần mềm quản lý văn bản của Thành phố với Văn phòng Chính phủ đã giúp Thành phố cập nhật 275 văn bản, cung cấp trạng thái giải quyết hồ sơ lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ; gửi 100% văn bản, hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các Bộ, ngành, địa phương. Cổng dịch vụ công trực tuyến Thành phố được đưa vào vận hành đã thu hút sự quan tâm, khai thác sử dụng của nhân dân, doanh nghiệp. Trong một số lĩnh vực đạt tỷ lệ giao dịch cao như tỷ lệ giao dịch qua mạng trong lĩnh vực khai sinh, khai tử và kết nối với bảo hiểm xã hội đạt trên 50%; tỷ lệ tuyển sinh trực tuyến đầu cấp đạt 51-58%; tỷ lệ kê khai thuế điện tử đạt trên 98,5% và tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 96,7% (chiếm gần 20% của cả nước); tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm đạt 79,6%; tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 54%... Các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đang được tích cực triển khai theo lộ trình.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội nghị đã chỉ ra một số vấn đề còn hạn chế, cần khắc phục: Một số thủ tục hành chính thiếu tính liên thông và sự phối hợp trong quá trình tổ chức thực hiện (công thương; an toàn vệ sinh thực phẩm;...). Việc tuân thủ quy định, quy trình có nơi chưa thật sự nghiêm túc, giải quyết chậm, thậm chí tự đặt ra các thủ tục, cá biệt gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức và công dân. Sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong thực hiện cơ chế một cửa liên thông, tuy đã có chuyển biến, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, còn vướng mắc (lao động, thương binh, xã hội; quy hoạch,...). Hiện tượng chậm cập nhật và niêm yết thiếu thủ tục hành chính còn xẩy ra ở một vài địa phương. Hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa đạt kết quả như mong muốn...

Các ý kiến cũng thẳng thắn nhìn nhận, còn không ít cán bộ công chức làm việc thiếu tích cực, bảo thủ trong cách nghĩ, cách làm; thiếu năng động, sáng tạo và đổi mới; quan liêu, hành chính hóa; không thạo việc, tác phong chậm chạp, rườm rà; thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm dẫn đến sự trì trệ của các cơ quan hành chính, cá biệt một số công chức còn có sai phạm trong hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính, phát ngôn không đúng quy định.... Trên cơ sở đó, một số đại biểu đề nghị, Thành phố cần sớm nghiên cứu và triển khai nhanh ứng dụng CNTT ở các lĩnh vực chuyên môn để giảm việc báo cáo định kỳ; xây dựng quy trình giải quyết thủ tục hành chính và liên thông giữa quận, các sở, ngành Thành phố; ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; xác định khung kiến trúc chính quyền điện tử; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; hỗ trợ trang thiết bị đẩy mạnh cải cách hành chính...


Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Viết Thành


Giải đáp thêm các đề xuất này, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, để có thể xây dựng được khung kiến trúc chính phủ điện tử của Thành phố cần phải dựa trên kết quả việc sắp xếp bộ máy của các sở, ban, ngành, bổ sung các văn bản hướng dẫn của Trung ương về chính phủ điện tử, đồng thời tổng hợp tư vấn quốc tế về vấn đề này để tìm ra một khung phù hợp với công việc, kết cấu, chức năng, nhiệm vụ của Thành phố. Các nội dung này đều đang được Thành phố triển khai tích cực, khẩn trương.  

Về đào tạo cán bộ cho chương trình ứng dụng CNTT, Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định, đây là vấn đề mấu chốt tạo sự thành công của chương trình. Năm nay, Thành phố đã tập huấn, đào tạo sử dụng CNTT cho gần 10.000 cán bộ, công chức. Năm tới, công tác này sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, bảo đảm cán bộ, công chức có thể sử dụng thành thạo, an toàn các ứng dụng, chương trình CNTT của Thành phố.

Liên quan đến việc ban hành bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết, văn bản này đang được khẩn trương hoàn thiện để có thể ban hành vào đầu năm tới.

Xây dựng chính quyền “trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân”

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá cao những ý kiến tham luận và sự thống nhất cao của Hội nghị, đồng thời nhấn mạnh tới các cấp ủy, hệ thống chính trị toàn thành phố chủ đề năm 2017 đã được Thành phố lựa chọn: “Năm kỷ cương hành chính”, như một tinh thần xuyên suốt, bao trùm các nội dung được đề cập trong Hội nghị; là giải pháp đột phá để xây dựng một chính quyền "trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân".

"Đây là sự thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo Thành phố trong nỗ lực xây dựng chính quyền Thủ đô thực sự “trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân” nhằm tạo bước đột phá mới, tiến tới hoàn thành mục tiêu cải cách hành chính giai đoạn 2016 – 2020 là “Xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả, đảm bảo liên thông, đồng bộ, thống nhất và hội nhập quốc tế”", Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.


Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Viết Thành


Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bí thư Thành ủy đề nghị, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; gắn trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân một cách rõ ràng hơn, tránh phát sinh trường hợp mới; tăng cường hình thức đối thoại để giải thích, lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh những bất cập về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Thành phố. Đồng thời, dự báo những vấn đề có khả năng xảy ra khiếu nại, tố cáo để đón đầu giải quyết tốt.

Về cải cách hành chính, triển khai ứng dụng CNTT, Bí thư Thành ủy khẳng định, đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Thành phố đã đạt được một số chỉ tiêu vượt kế hoạch của Chính phủ, nhưng mục tiêu trước mắt còn lớn và Thành phố còn nhiều tiềm năng để làm tốt hơn nữa việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Những hạn chế như một số thủ tục hành chính còn thiếu sự liên thông; sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn chưa nhịp nhàng; công tác đào tạo cán bộ còn chưa đáp ứng yêu cầu... cần phải được giải quyết trong thời gian tới thì mới tối ưu hóa được hệ thống hành chính của Thủ đô.

"Việc tinh giản biên chế của hệ thống hành chính phải gắn với dùng CNTT để nâng cao năng suất lao động của từng cán bộ, viên chức trong hệ thống", Bí thư Thành ủy lưu ý.

Với tinh thần này, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội Thành phố cần bám sát các nhiệm vụ đã được thống nhất thông qua tại Hội nghị, phát huy tốt những kinh nghiệm, kết quả đạt được, sớm sửa chữa, khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập, phấn đấu hoàn thành toàn diện ở mức cao nhất các nhiệm vụ đề ra, góp phần đưa Hà Nội vào nhóm đầu các địa phương có chất lượng điều hành khá, tăng các chỉ số xếp hạng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ban Chỉ đạo của Thành ủy cần khẩn trương ban hành quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện; các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành Thành phố bám sát kế hoạch của Ban Chỉ đạo, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tại địa phương, đơn vị.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu, ngay sau Hội nghị, UBND Thành phố khẩn trương thể chế hóa các nội dung của “Năm kỷ cương hành chính 2017”, trọng tâm là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Thành phố.

"Các địa phương, đơn vị cần khẩn trương thể chế hóa các nội dung của năm kỉ cương hành chính với những nội hàm, yêu cầu cao hơn năm trước, trong đó tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm cao, có đạo đức nghề nghiệp, phong cách ứng xử văn minh; xây dựng nền nếp, ý thức tôn trọng kỉ luật, kỉ cương hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh về lề lối làm việc; nêu cao tinh thần gương mẫu của cán bộ, công chức, đảng viên trong thực thi công vụ", Bí thư Thành ủy yêu cầu.

Bí thư Thành ủy cũng đề nghị, các cấp, các ngành phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính, phấn đấu đến cuối năm 2017, cung cấp từ 40% - 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Để làm được điều đó, cần cắt giảm tối đa những thủ tục không cần thiết, tích cực rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện và kịp thời đình chỉ, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, nhất là đối với các thủ tục liên thông trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp; tăng cường hướng dẫn người dân song hành cùng chính quyền trong thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính; gắn chỉ tiêu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào chỉ tiêu đánh giá thi đua trong các cơ quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chính quyền “trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.