(HNM) - Khoảng 90% hồ sơ của tổ chức, công dân được giải quyết đúng hạn; hoàn thành kết nối liên thông hệ thống văn bản mới ban hành tới 700 đầu mối; đẩy mạnh tiện ích của công nghệ thông tin… là những mục tiêu trong kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) được TP Hồ Chí Minh đặt ra trong năm 2012.
Hãy tiếp dân như tiếp lãnh đạo quận
Khẩu hiệu trên được UBND quận 1 đưa ra thực hiện từ hơn 8 tháng nay, thông qua việc mời người dân tham gia giám sát thái độ tiếp dân, thời hạn trả kết quả giải quyết thủ tục và niêm yết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại trụ sở quận. Ông Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho biết: "Mỗi ngày, quận tiếp nhận khoảng 500 hồ sơ của tổ chức, cá nhân đến giao dịch. 11 chuyên viên ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ được lắp 11 máy tính bảng, giúp người dân đến giao dịch có thể nhận xét về thái độ tiếp dân của đội ngũ này. Đến nay, có đến 17.953/17.977 lượt nhận xét (tỉ lệ 99,86%) của công dân tỏ ý hài lòng về thái độ của cán bộ, công chức khi tiếp nhận, trả hồ sơ. Hình ảnh công chức thiếu nụ cười khi tiếp dân đã dần được cải thiện".
Người dân “chấm điểm” thái độ tiếp dân tại bộ phận “một cửa” của UBND quận 1. |
Từ thành công của quận 1, UBND TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch triển khai công tác đánh giá thái độ tiếp dân của cán bộ, công chức ở nhiều quận, huyện khác, coi đây là một trong những điểm đột phá trong CCHC. Việc ứng dụng tiện ích của công nghệ thông tin trong CCHC thời gian qua đã có bước tiến đáng kể.
Ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, 24/24 quận, huyện đã triển khai quy trình liên thông hoàn chỉnh giữa UBND quận, huyện với UBND xã, phường, thị trấn trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh và đăng ký mã số thuế. Năm 2011, TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng dịch vụ công cấp 4 (cấp cao nhất) trực tuyến để cấp phép qua mạng, gồm các dịch vụ: cấp phép họp báo, cấp phép hội nghị - hội thảo có yếu tố nước ngoài, cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh, cấp phép lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet. Người dân và doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ và nhận giấy phép qua internet mà không cần liên hệ trực tiếp, kể cả các giao dịch phát sinh trong quá trình xử lý cũng như các yêu cầu bổ sung hồ sơ, nếu có. Thời hạn có kết quả trả lời là từ 3 đến 10 ngày làm việc, tùy từng lĩnh vực. "TP cũng đã triển khai mô hình liên thông kết nối hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc ra toàn địa bàn. Theo đó, văn bản, hồ sơ công việc từ UBND TP đến các sở, ban, ngành, quận, huyện đã được kết nối liên thông nhằm hiện đại hóa nền hành chính, thay thế dần văn bản giấy bằng văn bản điện tử có ứng dụng chữ ký số" - ông Lê Hoài Trung nhấn mạnh.
Tiến tới chính quyền đô thị
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Minh Trí, với một đô thị quy mô dân số 10 triệu dân trong tương lai không xa, TP sẽ quyết liệt triển khai "Chương trình CCHC gắn với mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị (CQĐT) giai đoạn 2011-2015". Muốn vậy, các công việc như cải cách thể chế và thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính sẽ phải thực hiện đồng thời.
Ông Lê Hoài Trung cho biết thêm, cơ chế riêng cho CQĐT đến nay vẫn là bài toán chưa có lời giải, thực sự là một phần nguyên nhân khiến TP chưa phát triển như mục tiêu đặt ra. Đặc biệt, việc CCHC trong các lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành như đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thẩm định quy hoạch chi tiết; thỏa thuận quy hoạch kiến trúc; cấp phép xây dựng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở… vẫn còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Thái độ nhũng nhiễu, né tránh, sợ trách nhiệm vẫn xảy ra ở không ít "công bộc" của dân.
Được biết, trong năm 2012 này TP Hồ Chí Minh sẽ thí điểm triển khai thi tuyển công khai chức danh trưởng phòng cấp sở, ngành, quận, huyện. Việc thi tuyển công chức cũng theo xu hướng cạnh tranh nhằm tuyển những người có năng lực bổ sung vào đội ngũ cán bộ, công chức. Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh sẽ khảo sát chỉ số hài lòng của tổ chức và công dân về dịch vụ công để kịp thời có những điều chỉnh trong lộ trình CCHC. Ngoài ra, các dịch vụ công đang dần được chuyển sang nội dung số trên nền 3G để người dân có thể sử dụng qua điện thoại di động nhằm xây dựng nền hành chính theo hướng hiện đại, gần dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.