Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng Chiến lược sách quốc gia: Thúc đẩy văn hóa đọc

Bài, ảnh: An Nhi| 22/12/2019 06:56

(HNM) - Sách và hoạt động xuất bản là một bộ phận của công tác tư tưởng, văn hóa, có sứ mệnh truyền bá, nâng cao tri thức cho cộng đồng. Giống như các ngành nghề, lĩnh vực khác, nếu xây dựng được Chiến lược sách quốc gia phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và nhu cầu tiếp cận tri thức của người dân, thì đây sẽ là “kim chỉ nam” cho hoạt động xuất bản, từ đó thúc đẩy sự phát triển văn hóa đọc.

Năm 2019, dự kiến tỷ lệ hưởng thụ sách bình quân đạt 4,6 bản/người. Ảnh: Thụy Du

Định hướng cho lĩnh vực xuất bản

Trong một cuộc trò chuyện gần đây, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp chia sẻ, ông được tặng khá nhiều sách trong thời gian đương nhiệm nhưng có đến 70% đầu sách thiếu hấp dẫn. Tình trạng này vẫn còn khi sách giải trí đơn thuần, chất lượng in kém tràn lan, còn sách nâng cao dân trí thì ít.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khẳng định, hoạt động xuất bản ở nước ta những năm gần đây đã có sự chuyển mình mạnh mẽ với gần 2.000 cơ sở in, 14.000 cơ sở phát hành. Năm 2018, có hơn 33.000 xuất bản phẩm với 430,1 triệu bản đưa ra thị trường. Nhờ đó, tỷ lệ hưởng thụ sách bình quân trên đầu người năm 2018 đạt 4,3 bản/người/năm, dự kiến năm 2019 đạt 4,6 bản/người/năm.

Tuy nhiên, cơ cấu sách còn bất hợp lý. Về số bản sách, sách giáo khoa, giáo trình, tham khảo chiếm 84,9%; sách chính trị, pháp luật chiếm 1,2%; sách văn học chiếm 1,9%; sách cho thiếu nhi chiếm 5,3%… Sự phân chia nội dung ở các mảng sách cũng chênh lệch, thiếu những công trình, tác phẩm có giá trị cao, nhiều sách chạy theo nhu cầu đơn thuần của độc giả, thực hiện dễ dãi.

Nhìn ra thế giới, các nước có nền xuất bản mạnh, văn hóa đọc phát triển đều xây dựng chiến lược sách quốc gia và triển khai hiệu quả. Điển hình là Hàn Quốc, cách đây 30 năm, nước này chưa có mặt trên bản đồ xuất bản thế giới. Song, bằng việc tạo dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho sách và văn hóa đọc, hình thành những trung tâm xuất bản, in ấn hiện đại, đặc biệt là thành lập Viện Chiến lược xuất bản với những hoạch định khoa học, hiệu quả, lĩnh vực xuất bản của Hàn Quốc đã “cất cánh”, thành nền xuất bản đứng thứ tư châu Á.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Ngọc Bảo và nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Hà (Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật), việc xây dựng Chiến lược sách quốc gia Việt Nam sẽ cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực xuất bản; là giải pháp đồng bộ nhằm phát huy thế mạnh truyền thông của xuất bản, như giới thiệu những thành tựu đổi mới của đất nước tới người dân và bạn bè quốc tế, xây dựng nền tảng tư tưởng, đạo đức, lối sống cho công chúng. Chiến lược sách quốc gia cũng được xem là một trong những giải pháp mang tính đột phá để những người làm xuất bản định hướng đầu tư, tạo ra những tác phẩm có giá trị.

Hướng tới nhu cầu từng đối tượng độc giả

Phố sách 19-12 (Hà Nội) thu hút đông đảo bạn đọc trẻ.

Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Ngọc Bảo nhận định, việc xây dựng Chiến lược sách quốc gia hiện nay rất thuận lợi vì chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động xuất bản khá đầy đủ và đồng bộ.

Tuy nhiên, để triển khai xây dựng Chiến lược cần sự chung tay của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng nhiều bộ, ngành liên quan và giới hoạt động xuất bản. Cùng với đó, Ban Xây dựng chiến lược phải khảo sát thực trạng và tỷ lệ các thể loại, nguồn đầu tư sách, nhu cầu của độc giả, từ đó dựng “bức tranh” về hiện tại, tương lai cho sách.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Đặng Mỹ Hạnh (Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, xây dựng Chiến lược sách quốc gia phải dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học công phu, có tầm nhìn để xác định tính khả thi, thiết thực, định hướng và hội nhập.

“Trong đó nhấn mạnh việc đặt ra những mục tiêu rõ ràng, cụ thể, hướng tới nhu cầu của từng đối tượng độc giả. Ví dụ, mục tiêu về cơ sở vật chất, số thư viện, các phương tiện, chất liệu bảo quản sách; mục tiêu về số tên sách cho từng vùng, miền; mục tiêu về chủng loại sách, tỷ lệ sách…”, Tiến sĩ Đặng Mỹ Hạnh gợi mở.

Theo đề xuất của Thạc sĩ Nguyễn Hoài Anh (Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật), Chiến lược sách quốc gia đòi hỏi phải được xây dựng theo từng lĩnh vực, chuyên ngành, như chính trị - xã hội, văn học - văn hóa, thiếu nhi… để bảo đảm tính toàn diện. Trong đó, cần phát huy, bảo tồn, gìn giữ những tác phẩm, xuất bản phẩm có giá trị với đất nước; chú trọng đến người yếu thế trong xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số…

Giám đốc Công ty cổ phần Sách Omega Việt Nam Vũ Trọng Đại lại cho rằng, bước vào kỷ nguyên số, nhu cầu và hình thức đọc sách của độc giả thay đổi, không chỉ trên giấy, vì vậy, Chiến lược sách quốc gia cần vạch ra hướng phát triển xuất bản phẩm điện tử - lĩnh vực gần đây Việt Nam đang chuyển động khá chậm, chỉ chiếm 0,3% trong số xuất bản phẩm/năm. Bên cạnh đó, việc cân đối tỷ lệ giữa sách của tác giả trong nước và sách dịch cũng cần được lưu ý.

Xây dựng Chiến lược sách quốc gia giống như tạo một tủ sách tổng thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và nhu cầu tiếp cận tri thức của người dân. Có như vậy, Chiến lược sách quốc gia sẽ là “kim chỉ nam” cho hoạt động xuất bản, từ đó thúc đẩy sự phát triển văn hóa đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Chiến lược sách quốc gia: Thúc đẩy văn hóa đọc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.