(HNMO) - Bộ Xây dựng đang phối hợp với các Bộ và cơ quan chuyên ngành tiến hành nghiên cứu xây dựng “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” trình Thủ tướng phê duyệt nhằm làm cơ sở hoạch định các chính sách và chương trình nhà ở quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-HABITAT) tham gia đóng góp ý kiến và hỗ trợ kỹ thuật cho chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp.
Bộ Xây dựng nhận định rằng việc thực hiện một nghiên cứu sâu về hồ sơ nhà ở là rất cần thiết để xác định các thách thức và cơ hội trong phát triển và cải tạo nhà ở ở Việt Nam. Ngoài ra, việc xây dựng năng lực cho các nhà hoạch định chính sách ở cả cấp trung ương và địa phương cũng là có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện công tác lập chính sách nhà ở.
Thực tế, nhà ở là một tài sản lớn, có giá trị của mỗi cá nhân, gia đình và đó là một trong những động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Có chỗ ở thích hợp và an toàn là một quyền cơ bản của con người, là nhu cầu chính đáng của mỗi hộ gia đình và là điều kiện cần thiết để phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, Nhà nước ta đã rất quan tâm giải quyết vấn đề nhà ở của nhân dân. Trong từng giai đoạn khác nhau, nhà nước đã có những chính sách thay đổi phù hợp từ mở rộng chính sách bao cấp nhà ở tại miền Bắc từ sau năm 1954 ra áp dụng trong cả nước vừa mới thống nhất, rồi xóa bỏ chính sách nhà ở bao cấp và chuyển sang chính sách tạo điều kiện về nhà ở trong nền kinh tế thị trường theo đường lối Đổi mới giai đoạn 1991-2000, và Giai đoạn 2001-2010 Quốc hội ban hành một loạt luật và và Chính phủ ban hành văn bản dưới luật để hoàn thiện thể chế các thị trường có liên quan đến phát triển nhà ở và chính sách trợ giúp một số đối tượng gặp khó khăn nhà ở. Kết quả là lĩnh vực nhà ở đã đạt được những thành quả đáng khích lệ như tăng trưởng về số lượng nhà ở và hệ thống các đô thị, tăng trưởng về diện tích nhà ở, tăng trưởng về chất lượng nhà ở và quy mô căn hộ.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn có nhiều tồn tại, bất cập về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở; sự thiếu đồng bộ giữa các chính sách về nhà ở với các chính sách về đất đai, đầu tư, quy hoạch và tái chính; giá nhà ở tăng cao gây ảnh hưởng không tốt đến việc tạo lập về chỗ ở của người dân; tình trạng mất cân đối về tỷ trọng các loại nhà ở, điều kiện ở của các nhóm cư dân đô thị ngày càng chênh lệch cao; sự thiếu đồng bộ trong chính sách xây dựng nhà ở tại khu vực nông thôn; mô hình tổ chức phát triển nhà ở chưa đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hệ thống tài chính nhà ở còn thiếu đồng bộ; các thủ tục hành chính trong liĩnh vực nhà ở còn rườm rà, phức tạp; công tác chỉ đạo thực hiện một số chương trình, chính sách về nhà ở còn nhiều tồn tại; cơ cấu, bộ máy tổ chức quản lý về nhà ở còn nhiều hạn chế; việc kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở chưa được thực hiện thường xuyên và triệt để…
Trong hội thảo “Tham vấn và Hỗ trợ kỹ thuật cho Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” tổ chức vào ngày 8/3/2011 tại Hà Nội, các chuyên gia nhà ở của UN-HABITAT đã trình bày những kinh nghiệm xây dựng chính sách nhà ở quốc gia, đặc biệt ở các nước trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương; cung cấp cho Bộ Xây dựng và Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Chính sách nhà ở và Thị trường Bất động sản Bộ sách hướng dẫn nhanh về “Nhà ở cho người nghèo ở các thành phố Châu Á” nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và thực hiện chiến lược nhà ở vì người nghèo có sự tham gia của các bên liên quan.
Bên cạnh đó nhóm tư vấn dự án của UN-HABITAT cũng trình bày những đánh giá ban đầu về Hồ sơ Nhà ở đô thị Việt Nam với các chủ đề: Khuôn khổ chính sách và thể chế; Tài chính và thị trường nhà ở; Hạ tầng/các dịch vụ cơ bản; Hệ thống cung cấp đất đai và Công nghiệp xây dựng và nguyên vật liệu, nhằm đóng góp nội dung cho Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Qua hội thảo này, “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” sẽ được hoàn thiện hơn, và làm cơ sở pháp lý để Nhà nước có các chủ trương, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực nhà ở, tạo điều kiện để mọi người dân, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp có thể tạo lập chỗ ở phù hợp và ổn định, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước và công cuộc hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn sắp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.