(HNM) - Sóc Sơn có tổng diện tích tự nhiên 30.652ha, trong đó đất nông nghiệp 13.000ha (chiếm trên 40%). Nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác bằng cách xây dựng các mô hình thâm canh hiệu quả được coi là khâu đột phá ở nhiều xã tại Sóc Sơn. Bước đầu, Sóc Sơn đã hình thành được vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung.
Huyện Sóc Sơn đã có nhiều mô hình nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường như nuôi chim bồ câu ở Việt Long, Tân Dân, Phú Cường hay nuôi ếch Thái Lan, gà đồi, nuôi ong ở Bắc Sơn, Bắc Phú… Toàn huyện có trên 1.000 hộ tham gia các mô hình này. Nhiều mô hình trang trại cho hiệu quả như trang trại nuôi giun quế tại xã Phú Cường cho thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng/hộ. Từ 1kg giun giống, sau 60 ngày nuôi có thể thu được 2 đến 3kg giun thương phẩm. Nếu thả giống với mật độ 3 - 4 kg/m2, sẽ cho thu hoạch từ 6 - 10kg/m2/lần, mỗi năm thu 6 - 7 lần. Nếu nuôi 100m2 giun quế sẽ có thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/tháng, lãi 18 - 20 triệu đồng/tháng, hiệu quả hơn rất nhiều loại vật nuôi khác. Còn các mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm tại xã Việt Long, trung bình mỗi hộ nuôi từ 200 đến 500 đôi cũng cho thu lãi 70-100 triệu đồng/năm.
Trồng hoa ở xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn. |
Trong khi sản xuất rau an toàn (RAT) ở TP đang gặp khó thì huyện Sóc Sơn khá thành công với mô hình rau hữu cơ tại 3 xã Thanh Xuân, Đông Giang, Xuân Giang với tổng diện tích gần 30ha với trên 30 loại rau, củ các loại. Chỉ riêng xã Thanh Xuân đã phát triển được 8 nhóm sản xuất rau hữu cơ với diện tích gần 5ha. Hiện, mỗi tháng mô hình này Sóc Sơn cung cấp từ 18 - 20 tấn rau, củ, quả hữu cơ cho thị trường Hà Nội với giá bán bình quân cao hơn rau thường là 7.000 - 8.000 đồng/kg. Nhờ đó, thu nhập trung bình của người sản xuất đạt 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Sóc Sơn năm 2011 đạt 109 triệu đồng/ha, tăng trưởng 5%/năm (tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010, mỗi năm chỉ đạt 2,53%). Công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) vượt 186% so với kế hoạch với 38 thôn ở 20 xã đã DĐĐT được gần 4.000ha.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Ngô Đại Ngọc cho biết, việc chuyển đổi ở Sóc Sơn tùy vào điều kiện đất đai của từng vùng để xây dựng mô hình nông nghiệp phù hợp. Huyện khuyến khích các địa phương thực hiện cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Đối với các xã có điều kiện đồng ruộng khó khăn, huyện khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất phù hợp với quy mô hộ gia đình, nguồn vốn thấp nhưng hiệu quả cao như mô hình nuôi ong lấy mật, nuôi giun quế, chim bồ câu... Trong năm 2012, sau khi cơ bản hoàn thành công tác DĐĐT, huyện sẽ xây dựng một số vùng sản xuất hàng hóa như vùng sản xuất chè tại các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ với diện tích 650ha; vùng sản xuất hàng hóa và thủy sản tại Tân Hưng và Bắc Phú, diện tích hơn 1.000ha; vùng trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả tại Minh Phú, Minh Trí, Xuân Giang... vùng sản xuất rau hữu cơ và rau an toàn tại Thanh Xuân, Đông Xuân, Việt Long, Hiền Ninh... diện tích 1.800ha. Đây là những vùng sản xuất sẽ được ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.