Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng các khu công nghiệp thành ''đòn bẩy'' phát triển kinh tế Thủ đô

Hương Ly - Ảnh: Quang Thái| 26/05/2022 17:05

(HNMO) - Chiều 26-5, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức Lễ ký kết quy chế phối hợp với UBND các quận, huyện về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các khu công nghiệp.

Quang cảnh lễ ký kết.

Tham dự lễ ký kết có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; đại diện lãnh đạo các ban Đảng Thành ủy, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và 9 quận, huyện: Long Biên, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai, Phú Xuyên.

6 tháng, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nộp ngân sách 238,5 triệu USD

Báo cáo của Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho thấy, lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý thu hút đầu tư được 4 dự án mới, vốn đăng ký 1 triệu USD và 450 tỷ đồng; 12 dự án đầu tư mở rộng với vốn đăng ký 60 triệu USD và 30 tỷ đồng. Tổng mức thu hút đầu tư là 81 triệu USD quy đổi. Dự kiến, thu hút đầu tư 6 tháng đầu năm 2022 đạt 100 triệu USD (đạt 25% so với kế hoạch năm 2022, bằng 45% so với cùng kỳ năm 2021). Về kết quả sản xuất, kinh doanh, ước 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp là 4.869 triệu USD; nộp ngân sách nhà nước 238,5 triệu USD.

6 tháng cuối năm 2022, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội phấn đấu tổng vốn thu hút đầu tư trong các khu công nghiệp cả năm 2022 đạt khoảng 400 triệu USD (tăng 28,8% so với năm 2021); triển khai thành lập một khu công nghiệp mới và hoàn thành thủ tục đầu tư 2-3 khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Về sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, phấn đấu doanh thu đạt 8.200 triệu USD; nộp ngân sách 229,4 triệu USD…

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội chứng kiến lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và UBND các quận, huyện về quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Tại buổi lễ, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và lãnh đạo 9 quận, huyện đã ký kết Quy chế phối hợp công tác gồm 3 chương, 15 điều, nội dung bám sát các quy định của trung ương và thành phố về quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp. Trong đó, các đơn vị sẽ tập trung phối hợp trên các lĩnh vực công tác về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai và trật tự xây dựng; công tác quản lý nhà nước về đầu tư; tài nguyên, môi trường; lĩnh vực quản lý doanh nghiệp và người lao động; công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống cháy nổ; công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp.

Việc ký kết và thực hiện Quy chế phối hợp sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy mối quan hệ công tác giữa Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và Ban Thường vụ các quận ủy, huyện ủy, lãnh đạo UBND các quận, huyện ngày càng bền chặt, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoạt động và phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và Thủ đô Hà Nội.

Chủ động tham mưu để thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Đảng ủy, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, trên địa bàn thành phố có 9 khu công nghiệp đang hoạt động ổn định. Thời gian qua, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và UBND các quận, huyện đã phối hợp hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp, kịp thời tham mưu Thành ủy, UBND thành phố trong công tác xây dựng, phát triển các khu công nghiệp và phối hợp giải quyết các vấn đề đột xuất phát sinh.

Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, UBND các quận, huyện và Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ, làm tốt công tác kiểm soát và phòng, chống dịch trong khu công nghiệp. Qua đó, đã giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không bị đứt gãy, góp phần tích cực vào việc duy trì và phục hồi đà tăng trưởng kinh tế của Thủ đô.

Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và Ban Thường vụ quận ủy, huyện ủy, lãnh đạo UBND các quận, huyện tập trung phối hợp chỉ đạo triển khai có hiệu quả 9 lĩnh vực công tác trọng tâm trong Quy chế phối hợp vừa được ký kết. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện rà soát quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với việc phối hợp rà soát quy hoạch, xác định vị trí và bố trí quỹ đất theo quy hoạch để triển khai xây dựng nhà ở xã hội và các thiết chế công đoàn, cần triển khai việc thành lập và sớm đưa vào vận hành khai thác và thu hút dự án đầu tư vào 5 khu công nghiệp mới trong giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, gồm các khu công nghiệp: Sóc Sơn, Đông Anh, Bắc Thường Tín, Phụng Hiệp, Phú Nghĩa mở rộng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các đơn vị tăng cường phối hợp, trao đổi, nắm thông tin và tình hình doanh nghiệp trong các khu công nghiệp để chủ động tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố ban hành các chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó, cần duy trì thực hiện tốt chế độ thông tin, trao đổi, phối hợp công tác giữa các đơn vị; định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp công tác.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị lãnh đạo thành phố và các ban, sở, ngành quan tâm, hỗ trợ để các khu công nghiệp phát triển vững mạnh, trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Thủ đô.

Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long phát biểu tại buổi lễ.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long khẳng định sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện tốt quy chế phối hợp vừa ký kết, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tại các khu công nghiệp. Đồng chí mong muốn sẽ nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các quận, huyện để triển khai có hiệu quả Quy chế phối hợp, qua đó góp phần phát triển kinh tế Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng các khu công nghiệp thành ''đòn bẩy'' phát triển kinh tế Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.