Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng các khu cao tầng: Lại phải nghĩ về quy hoạch

ANHTHU| 14/04/2008 07:41

(HNM) - Trong cuốn “Thành phố và ngôi nhà” của NXB Xây dựng, PGS.TS Kiến trúc sư Hoàng Đạo Cung viết: “Đứng ở trên tầng 20 nhìn xuống, thấy các phố cổ... các phố biệt thự, tất cả hóa thành nhỏ bé lúp xúp như chuồng gà, lều vịt

Kỳ 2: Tiện đâu đặt đó

Ảnh: Trung Kiên

(HNM) - Trong cuốn “Thành phố và ngôi nhà” của NXB Xây dựng, PGS.TS Kiến trúc sư Hoàng Đạo Cung viết: “Đứng ở trên tầng 20 nhìn xuống, thấy các phố cổ... các phố biệt thự, tất cả hóa thành nhỏ bé lúp xúp như chuồng gà, lều vịt. Đứng ở dưới nhìn lên, trong phạm vi 500m quanh cái nhà cao đó cũng có cảm giác như vậy. Cái mới phủ nhận cái cũ một cách ngạo mạn và lỗ mãng, như chàng thanh niên cao lớn, hai tay chống nạnh nhảy lambada giữa bầy nhi đồng đang múa...”. Đây là cái nhìn đầy bức xúc của một người trong nghề, nó cho thấy những bất cập của việc quy hoạch và xây dựng nhà cao tầng.

Kỳ 1: Thời của nhà cao tầng

Có thể tại những khu đô thị mới, sự góp mặt của các khu cao tầng đã khiến không gian kiến trúc bật lên nét văn minh hiện đại. Không gian thông thoáng có khu phụ trợ, sân, sảnh... Nhưng trong trung tâm thành phố thì sao. Khi quan sát một lượt thì những khu cao tầng đầy bất cập như thế trong thành phố xuất hiện ngày càng nhiều. GS Phan Văn Trường của ĐH Paris - Sorbonne 1 hiện đang giảng dạy bộ môn Quy hoạch vùng và kinh tế đô thị (ĐH Kiến trúc TP HCM) cho rằng: “Việc cho hay không cho xây nhà cao tầng trong khu trung tâm cần phải tính toán về mặt kinh tế. Có ý kiến cho rằng, nếu không cho xây thì không thu hút được đầu tư. Nếu xét một vài trường hợp cụ thể thì đúng như nhìn tổng thể thì không hẳn thế. Khi cho xây nhà cao tầng trong khu trung tâm, mật độ dân số sẽ tăng cao, phải tốn nhiều tiền và công sức để nâng cấp hạ tầng, giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh xã hội, ô nhiễm môi trường... mà hậu quả khó có thể lường trước”.

Các nhà E3, E4, M3, M4, M5 tại ngã ba Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Chí Thanh, cái thì đang xây dựng, cái đã đi vào hoạt động. Tòa nhà thấp nhất cũng 21 tầng, còn cao nhất là M5 với 35 tầng. Văn phòng có, nhà dân sinh để bán có, hàng quán dịch vụ cũng có. Vạy là tuyến Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai (con đường đạt danh hiệu “đẹp nhất Việt Nam”) giờ đây thành chật chội, đoạn cua từ Huỳnh Thúc Kháng sang Nguyễn Chí Thanh chạy qua phía trước những tòa nhà này ô tô đỗ thành hàng dài ngay dưới lòng đường. Biết là mất trật tự, xấu đi mỹ quan đô thị, nhưng không đỗ ở đấy thì đỗ ở chỗ nào ? Tương tự gần ngay ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Đê La Thành cũng xuất hiện một nhà cao mấy chục tầng làm giao thông càng thêm lộn xộn.

Nút giao thông Chùa Bộc - Kim Liên từ trước tới nay vẫn được coi là phức tạp. Thành phố đã phải chấp nhận bỏ kinh phí làm “con đường đắt nhất hành tinh” (Kim Liên - Ô Chợ Dừa kéo dài) để giảm tải lưu lượng phương tiện ở nút giao thông Chùa Bộc. Tuyến Thái Hà- Chùa Bộc cũng phải tổ chức giao thông lại không ít lần, rồi xén hè, mở rộng lòng đường... chẳng qua cũng vì hạ tầng quá tải. Thế mà ngay tại ngã tư này, Trung tâm thương mại quốc tế Parkson vừa khai trương đi vào hoạt động. Cũng chẳng dám bàn về “thượng tầng kiến trúc” nhưng mặt chính của tòa nhà này “đổ” ngay ra đường, vậy thì các phương tiện ra vào nơi này sẽ ra sao ? “Lỗi này do quy hoạch, ngành giao thông bó tay !” - TS Nguyễn Quang Đạo (ĐH Xây dựng)nhận xét. Và chắc chắn kiểu “vừa xây - vừa phá” như thế không biết nút giao thông Chùa Bộc bao giờ mới hết phức tạp ?

Tại cầu vượt Ngã Tư Sở, giao thông ở ngã tư Thái Thịnh - Tây Sơn là bất cập (giao cắt nằm quá gần đường dẫn lên cầu vượt) hiện chưa có giải pháp tháo gỡ. Thế mà một tòa nhà đồ sộ “hai mặt tiền” lại đang sừng sững lên. Nút giao thông Đội Cấn - Đốc Ngữ vốn đã quá tải, sớm hay muộn cũng phải cải tạo hạ tầng, vậy mà người ta vẫn chấp nhận xây dựng thêm một “hộp diêm” cao hai ba chục tầng. Để giải phóng mặt bằng cho nút giao thông Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, người ta đặt ngay một “hộp diêm” cho dân tái định cư ở con phố nhỏ dẫn từ tập thể ĐH Bách khoa ra đường Đại Cồ Việt. Nhìn mãi, luận mãi cũng không thể hiểu cái đẹp, cái hợp lý của các công trình này ở đâu trừ một lý do duy nhất “chữa cháy”. Khách sạn Daewoo từng được coi là một công trình có kiến trúc quần thể tốt, là điểm nhấn cho một góc thành phố, nhưng ai dám chắc khi tòa nhà 65 tầng trên đường Đào Tấn hoàn thành thì hạ tầng giao thông và cảnh quan của khu vực không ảnh hưởng ?

Với hàng loạt công trình nhà cao tầng được bố trí theo kiểu “chữa cháy”, “nhồi nhét” như vậy, đúng là không thể hiểu được những tiêu chuẩn quy hoạch để phê duyệt, cấp giấy phép cho những “ông khổng lồ” ra đời hiện nay là như thế nào. KTS Nguyễn Hữu Thái, người trở về từ Canada thẳng thắn nhận xét: “Kiến trúc cao tầng thường được quy hoạch nằm trên các trục giao thông lớn, làm nhiệm vụ “định dạng khung sườn” cho thành phố. Thế nhưng nhà cao tầng thời gian qua lại được xây dựng theo kiểu tự phát. Nhà đầu tư “chạy” được chỗ nào thì xây chỗ đó, vì chưa có quy hoạch rõ ràng. Dĩ nhiên, họ muốn thu lợi ngay, không gì dễ dàng hơn là tập trung vào xây khách sạn, cao ốc, văn phòng, căn hộ cao cấp. Ai cũng muốn bám vào trung tâm thành phố có sẵn kết cấu hạ tầng (tuy còn ọp ẹp) và nguồn khách tập trung”. Hạ tầng Hà Nội như một chiếc áo đã quá chật, nay lại thêm chuyện quy hoạch “đá” giao thông dẫn đến “cơ thể” đô thị vốn lớn phổng phao thời cơ chế thị trường, nhưng lại như kiểu “tập thể hình” từng bộ phận, chỗ phình ra, chỗ thắt vào tạo ra một diện mạo kiến trúc mà ngay cả những nhà chuyên môn cũng không thể định nghĩa nổi.

Lối quy hoạch kiểu “nhồi nhét”, thiếu tầm nhìn như hiện nay đã làm cho hạ tầng của thành phố vốn đã quá sức lại càng thêm mệt mỏi, người dân thì bức xúc trong khi các nhà quản lý khốn khổ nghĩ giải pháp... Không hiểu những người được giao nhiệm vụ quy hoạch, thẩm định các dự án trước khi cấp phép việc xây dựng các khu cao tầng trong thành phố có lường trước mọi hậu quả của những gì họ để lại.

Lê Hoàng Anh - Trà My

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng các khu cao tầng: Lại phải nghĩ về quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.