(HNM) - Để thu hút đầu tư, tạo mặt bằng sản xuất, trong 3 năm (từ năm 2018 đến 2020), Hà Nội đã phê duyệt triển khai 43 cụm công nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết các dự án cụm công nghiệp đều chậm tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đòi hỏi sự quyết liệt hơn trong chỉ đạo, thực hiện của các ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương.
Chưa có dự án hoàn thành
Khảo sát thực tế tại khu Đồng La (xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ) trong chiều 23-12, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận khu đất quy hoạch dự án Cụm công nghiệp Thanh Đa, dù có quyết định thành lập từ tháng 6-2020, nhưng đến nay vẫn nguyên trạng là đất nông nghiệp. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương, dự án Cụm công nghiệp Thanh Đa bị chồng lấn về quy hoạch với dự án khác nên địa phương chưa thể giải phóng mặt bằng.
Còn tại địa bàn xã Đình Xuyên (huyện Gia Lâm), dự án Cụm công nghiệp Đình Xuyên được phê duyệt năm 2018, với diện tích khoảng 7,8ha, nhưng đến nay mới giải phóng mặt bằng được khoảng 70%. Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Gia Lâm Đặng Bá Đức cho biết, hiện còn 103 hộ trong diện đã phê duyệt phương án thu hồi đất của dự án nhưng người dân không nhận tiền đền bù.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, từ năm 2018 đến năm 2020, thành phố đã phê duyệt đầu tư 43 cụm công nghiệp, song quá trình triển khai đều chậm so với kế hoạch. Cụ thể, 5 cụm công nghiệp có quyết định thành lập năm 2018, đến nay đều chưa khởi công xây dựng, quá thời hạn tiến độ quy định. Cả 5 dự án đều gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, có dự án khiếu kiện kéo dài.
Tương tự, 13 cụm công nghiệp thành lập năm 2019 cũng chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, vì thế chưa thể khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Các dự án này chậm tiến độ từ 9 tháng trở lên. Trong khi đó, 25 cụm công nghiệp thành lập năm 2020 hầu hết vẫn đang thực hiện các thủ tục đo vẽ, xác nhận bản đồ hiện trạng, cấp chỉ giới...
Cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, vướng mắc chủ yếu ở các dự án cụm công nghiệp là khâu giải phóng mặt bằng. Do mỗi dự án có đặc thù riêng nên quy trình, thủ tục hành chính và thời gian giải quyết cũng khác nhau. Đơn cử như dự án thực hiện trên những khu đất nhỏ lẻ, không liền thửa… thường thời gian làm thủ tục chuẩn bị đầu tư kéo dài hơn các dự án khác; hay dự án có diện tích đất lúa hơn 10ha phải trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi, từ đó mới có đủ cơ sở pháp lý để triển khai phương án đền bù, giải phóng mặt bằng. Ở một số dự án đã hoàn tất thủ tục, nhận thức của một số người dân có đất bị thu hồi còn hạn chế, không hợp tác với chính quyền địa phương, cũng gây khó khăn không nhỏ cho quá trình giải phóng mặt bằng…
Thông tin thêm, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhận xét, thời gian qua, mặc dù các sở, ngành và địa phương đã vào cuộc quyết liệt, nhưng sự phối hợp có lúc còn chưa đồng bộ và thiếu hiệu quả, dẫn đến việc phê duyệt thủ tục, thu hồi đất cho dự án còn chậm và bị kéo dài. Mặt khác, trong năm 2020, dịch Covid-19 xảy ra làm gián đoạn tiến độ triển khai dự án trong thời gian giãn cách xã hội.
“Cùng với đó, chủ đầu tư một số cụm công nghiệp chưa tích cực, chủ động chuẩn bị nguồn lực thực hiện dự án, thậm chí một số chủ đầu tư còn có dấu hiệu chây ỳ, triển khai thực hiện chậm”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Để giải quyết vấn đề này, Sở Công Thương Hà Nội đã đề xuất, đối với các cụm công nghiệp đã quá thời hạn và chuẩn bị hết thời hạn theo tiến độ quy định tại quyết định thành lập, UBND thành phố giao Sở Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát, đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện dự án, năng lực chủ đầu tư... báo cáo thành phố biện pháp xử lý đối với từng dự án cụ thể (cho phép gia hạn tiến độ hoặc thu hồi) theo quy định.
Với vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thị xã đề xuất giải pháp tháo gỡ, nhất là các thủ tục về đất đai, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng… Bên cạnh đó, các địa phương nhanh chóng thu hồi đất với dự án đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, để chủ đầu tư khởi công xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Gia Lâm Đặng Bá Đức cho hay: “Chúng tôi tiếp tục đối thoại, vận động các trường hợp người dân chưa bàn giao mặt bằng thực hiện dự án Cụm công nghiệp Đình Xuyên. Nếu không đạt kết quả thì huyện sẽ thiết lập hồ sơ để tổ chức cưỡng chế”. Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương khẳng định, các đơn vị chức năng của huyện sẽ nỗ lực đẩy nhanh hơn tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án Cụm công nghiệp trên địa bàn.
Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn UBND các địa phương và chủ đầu tư cập nhật, bổ sung các quy hoạch; sớm có văn bản góp ý quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khi UBND các huyện, thị xã đề nghị. UBND các huyện, thị xã rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các cụm công nghiệp mới được thành lập.
Rõ ràng, để bảo đảm các dự án được triển khai đúng tiến độ, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các ngành, địa phương vẫn là yếu tố quyết định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.