(HNM) - Hướng tới mục tiêu tăng cường chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, mới đây Bộ GD-ĐT đã xây dựng một bộ công cụ mới dành cho kiểm định chất lượng đại học với sự thay đổi đáng kể so với bộ công cụ hiện hành.
Gắn doanh nghiệp với đào tạo
Thời gian qua, công tác kiểm định chất lượng đại học đã có những bước tiến dài. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chưa theo kịp sự phát triển của thực tế giáo dục đại học, đặc biệt là theo chuẩn quốc tế. Mới đây, Bộ GD-ĐT đã ban hành dự thảo Thông tư quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học với 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí để thay thế cho bộ công cụ đánh giá hiện hành gồm 10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí (ban hành năm 2012).
Bộ GD-ĐT tiến hành xây dựng một bộ công cụ mới dành cho kiểm định, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Trong ảnh: Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Viết Thành |
Nói về sự cần thiết phải thay đổi, PGS.TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam cho rằng: Căn cứ vào tốc độ phát triển của công nghệ thông tin, kinh tế - xã hội của cả Việt Nam và thế giới, rõ ràng những yêu cầu đặt ra cách đây 5 năm không còn phù hợp. Hơn nữa, bộ tiêu chuẩn gồm 111 tiêu chí được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn của các trường ĐH tiên tiến khu vực ASEAN, có sự giao thoa khá lớn với bộ tiêu chuẩn của Châu Âu và của Bắc Mỹ nên sẽ là cầu nối để đưa giáo dục ĐH Việt Nam hòa nhập cùng thế giới.
Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh cho biết, bộ công cụ mới đang được dự thảo, sẽ đề cập đến các hoạt động của nhà trường một cách toàn diện, nhấn mạnh vào các trọng tâm như yếu tố phục vụ cộng đồng, sự hài lòng của các bên liên quan về cơ sở giáo dục đại học. Đặc biệt, bộ công cụ mới nhấn mạnh tới tính hệ thống bảo đảm chất lượng. Nếu tất cả các trường ĐH ở Việt Nam vận hành, đánh giá theo bộ công cụ mới thì đòi hỏi phải có sự chuyển đổi từ nội tại của các nhà trường một cách toàn diện. Các trường cần có mục tiêu rõ ràng, có định hướng, hướng tới sự hài lòng của các bên liên quan, trước hết là sự hài lòng của sinh viên, gia đình và xã hội.
Lâu nay, người ta thường nghe các nhà tuyển dụng phàn nàn về “sản phẩm đầu ra" của các trường không đáp ứng được nhu cầu xã hội, các doanh nghiệp thường phải đào tạo lại đối với nhân lực mới ra trường. Trong khi đó, nhiều khi các doanh nghiệp không đóng góp gì, thậm chí là đứng ngoài hệ thống đào tạo. Để khắc phục tình trạng này, bộ công cụ đánh giá mới có khá nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí đề cập đến mối liên hệ giữa cơ sở giáo dục ĐH với doanh nghiệp, thể hiện qua các chỉ số về quá trình đào tạo, quản lý đào tạo, đánh giá sinh viên, hỗ trợ sinh viên. Theo ông Mai Văn Trinh, Bộ GD-ĐT muốn doanh nghiệp đẩy mạnh sự tham gia và tham gia cụ thể hơn nữa vào quá trình đào tạo, để đến một thời điểm cụ thể nào đó thì mối liên hệ này sẽ được ghi trong Luật Giáo dục ĐH.
Đội ngũ kiểm định viên có vai trò quyết định
Để công cụ đánh giá mới đi vào thực tế, GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia Hà Nội lưu ý tới vai trò của đội ngũ kiểm định viên. Ông cho rằng, đội ngũ kiểm định viên là những người không chỉ nắm vững tiêu chuẩn, tiêu chí, mà phải hiểu và nắm bắt rất chắc nội hàm tiêu chuẩn, tiêu chí, quan trọng nhất là phải am hiểu về giáo dục. Kiểm định viên cần có khả năng thu thập và phân tích thông tin tốt. Không chỉ giỏi về kỹ năng, theo bà Nguyễn Phương Nga, kiểm định viên phải giỏi cả về cách ứng xử, phải làm sao đưa ra được kết luận khiến nhà trường tâm phục khẩu phục, có khả năng tư vấn để giải quyết những tồn tại của trường, chỉ ra hướng đi, điểm mạnh cần bứt phá...
Ông Nguyễn Quý Thanh cũng lưu ý, điều quan trọng là số lượng người tham gia đánh giá chứ không phải số lượng trung tâm kiểm định. Số trung tâm phát triển tới một mức độ nào đó sẽ dẫn đến một hệ quả là chất lượng hoạt động giảm đi bởi khi đó sẽ xuất hiện hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh đó, số lượng chương trình đào tạo cần kiểm định lại rất lớn nên phải phát triển ở khâu kiểm định chương trình. Vì vậy rất cần các hiệp hội nghề nghiệp tham gia vào phát triển chương trình đào tạo để có sự đánh giá mang tính chuyên biệt đối với chương trình đào tạo.
Để bảo đảm tính khách quan và sự độc lập của hệ thống kiểm định, có 4 trung tâm kiểm định đã được thành lập (của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm định chất lượng ĐH Đà Nẵng, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam). Các trung tâm do nhà trường thành lập không được tham gia đánh giá và kiểm định cho chính các cơ sở, chương trình đào tạo của trường đó, nhưng trung tâm của Hiệp hội thì được đánh giá trên phạm vi toàn quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.